VOV.VN - Theo Ông Hoàng Trung Thông Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay số doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng 250.000 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Hoàng Trung Thông Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký HHDN tỉnh Hà Tĩnh
Thiếu nguyên liệu sản xuất, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, đóng cửa nhà máy… là thực tế phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang gặp phải do tác động của dịch Covid-19.
“Chùa đóng cửa, lễ hội thì không tổ chức, học sinh nghỉ học, các khu công nghiệp thì công nhân nghỉ nhiều, nên tất cả hàng tồn đọng lại. Các nhà phân phối đã bỏ hàng vào họ không ra được hàng, hàng về bán không được, tất cả dừng lại”, bà Nguyễn Thị Thạch, Giám đốc Nhà máy bánh kẹo Tân Tiến Phát nói.
Thiếu nguyên liệu sản xuất, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được… là thực tế phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang gặp phải (Ảnh minh họa: Báo Hà Tĩnh) |
Còn theo ông Trần Văn Viết, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải, trước đây, một tháng công ty sản xuất khoảng 7 triệu viên gạch, xuất đi được khoảng từ 4 - 6 triệu viên gạch. Nhưng hiện nay, sản xuất ra khoảng 5 triệu viên gạch nhưng do các công trình của Nhà nước và tư nhân chưa xây dựng và giảm xây dựng nên chỉ xuất ra được khoảng 1-1,5 triệu.
“Chúng tôi sản xuất nhưng không xuất đi được nên lượng hàng tồn kho rất lớn”, ông Trần Văn Viết cho biết.
Để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn nợ … Ông Phan Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, mức hỗ trợ quá thấp so với thiệt hại doanh nghiệp, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn không được giãn thời hạn trả nợ cho các khoản vay có thời hạn từ 6 tháng trở lên: “Hiệp hội tỉnh có hướng dẫn nhưng chỗ hỗ trợ lãi suất một số đơn vị, doanh nghiệp được hỗ trợ mảng sản xuất, cơ khí thì thấp, có hạn chứ không được nhiều”.
Trong điều kiện khó khăn bởi dịch Covid-19, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh đang thúc đẩy các giải pháp quyết liệt nhằm giải ngân tốt nhất gói tín dụng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Thông, Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho biết, thực tế, đến thời điểm này doanh nghiệp rất khó tiếp cận chính sách.
“Khi triển khai xuống các ngân hàng thương mại của tỉnh thì doanh nghiệp vướng hết vì ngân hàng thương mại nói đang chờ hướng dẫn cấp trên. 90% là các doanh nghiệp được trả lời như vậy, cũng có ngân hàng đã triển khai được nhưng rất ít. Đa số các ngân hàng còn nhiều thủ tục, khó khăn, phức tạp. Quan điểm của Hiệp hội là cứu doanh nghiệp cũng phải nhanh như chống dịch vì số doanh nghiệp tiếp cận được không nhiều”, ông Hoàng Trung Thông cho biết thêm.
Nắm bắt được tình hình khó khăn của doanh nghiệp, những ngày qua Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng đã trực tiếp thị sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Thắng khẳng định, sẽ nắm sát tình hình và có chỉ đạo để làm sao các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các cơ chế, chính sách đến gói hỗ trợ hiện nay của Trung ương một cách kịp thời./.
Sỹ Đức/VOV
Hôm nay : 883
Tháng này : 11122
Tổng truy cập : 85929699