Talkshow với chủ đề: "Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng" là phiên thảo luận thu hút nhiều sự chú ý tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam sáng 2/5. Tại đây, các doanh nhân nữ đã khẳng định khát vọng đóng góp vì sự phát triển của Việt Nam.
Hãy mang trong mình khát vọng
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ câu chuyện "Biến điều không thể thành có thể" diễn ra tại Tân Hiệp Phát. Nhắc lại câu chuyện năm 2012, sau 9 tháng trao đổi và đàm phán với Coca Cola, Tân Hiệp Phát đã quyết định từ chối lời đề nghị "bán mình" với giá 2,5 tỷ USD để tiếp tục hành trình xây dựng thương hiệu Việt.
"Để có được thương hiệu và vị thế dẫn đầu ngành nước giải khát như hiện nay, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế lớn nhất thế giới, công ty đã phải nỗ lực, sáng tạo không ngừng biến cái không thể thành có thể", bà Uyên Phương nói.
Là người kế tục sự nghiệp của cha mình, ông Trần Quý Thanh, bà Trần Uyên Phương trải nghiệm được những khó khăn của doanh nghiệp trong những ngày đầu "trứng nước".
"Năm 1994, sau khi thành lập, khó khăn muôn bề, nguồn lực thì hạn chế, ba tôi, một kỹ sư cơ khí, đã quyết định mua lại dây chuyền phế thải đã cắt làm 3 mảnh của Bia Sài Gòn để đem về tái sử dụng. Không một ai tin là ông có thể làm cho chiếc máy vận hành. Câu nói nổi tiếng của ông đối với nhân viên Tân Hiệp Phát thời bấy giờ là: Có cái khung sườn còn tốt hơn là phải chế cái máy từ không có gì cả. Thế nhưng sau 2 năm phục chế, với tất cả sự sáng tạo và nhiệt huyết, dàn máy đã chạy được và đạt công suất tới 80% công suất thiết kế của máy", bà Uyên Phương nhớ lại.
Những năm sau đó, Tập đoàn đã đầu tư mua công nghệ hiện đại nhất thế giới, đầu tư mạnh để phát triển sản phẩm phù hợp khẩu vị người Việt, thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới làm marketing như Saatchi & Saatchi, O&M, Dentsu... đưa Tân Hiệp Phát vươn lên chiếm thị phần lớn thứ hai Việt Nam như hiện nay, vượt trên cả Coca Cola trong ngành nước giải khát và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong TOP 5 doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất Việt Nam.
Bà Trần Uyên Phương chia sẻ tại diễn đàn.
Còn với Vietjet, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam, năm 2007 - 2011, kể từ chuyến bay đầu tiên vào đúng dịp Lễ Giáng sinh 24/12/2011 đến nay, Vietjet đã hiện thực hóa ước mơ được bay của biết bao người dân Việt Nam.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc - CFO, Công ty CP Hàng không Vietjet chia sẻ: "Hôm qua trong chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội, có một cô bé nói với tôi là chị ơi cho em ngồi gần cửa sổ vì đây là lần đầu tiên em đi máy bay. Tôi thấu hiểu giấc mơ được bay của người dân Việt Nam".
Với những nỗ lực không ngừng, Vietjet liên tục nằm trong top các công ty niêm yết và kinh doanh hiệu quả nhất do nhiều tạp chí kinh tế uy tín bình chọn. Vietjet được vinh danh Thương hiệu IPO tiêu biểu 2016 – 2017, doanh nghiệp công bố thông tin M&A tốt nhất. Từ đó đến nay, Vietjet luôn thuộc Top 10 trong VN30 các Công ty có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cuối năm 2018, Vietjet vận hành 64 tàu bay, có đội tàu trẻ nhất với tuổi bình quân 2,82 năm và trở thành hãng hàng không chi phí thấp (LCC) lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương chia sẻ thêm: Ngành hàng không là ngành kỹ thuật cao, tỷ lệ nhân viên nữ của Vietjet chỉ chiếm 34% trong tổng số 3.850 nhân viên, trong đó gần 30% nắm giữ vị trí quản lý. Tỷ lệ nữ không cao nhưng đều có vai trò quan trọng.
Chia sẻ về về khát vọng vượt lên chính mình để chinh phục những đỉnh cao mới, cống hiến cho sự phát triển chung của xã hội, bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty Nutifood chia sẻ triết lý kinh doanh của công ty là làm việc gì cũng bằng cái tâm của mình. Khi nghiên cứu để cho ra một sản phẩm bất kỳ, bà và đội ngũ nhân viên đều nghĩ là làm cho con cháu, bản thân, cha mẹ và những người thân của mình nên dồn hết tâm huyết. Bản thân, gia đình là những người dùng thử sản phẩm trước tiên, sau đó mới đến cán bộ công nhân viên của công ty.
"Những lần đi công tác về vùng sâu vùng xa, tôi thấy trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng rất nhiều, đặc biệt nông thôn với tỷ lệ trên 30%, có những em 8 - 10 tuổi mà nhìn thoạt qua tưởng chừng mới 4 - 5 tuổi. Điều đó thôi thúc tôi cùng các đồng nghiệp phải nghiên cứu ra được các sản phẩm để điều trị, hỗ trợ về dinh dưỡng cho các em vùng sâu vùng xa, thoát dần khỏi suy dinh dưỡng thấp còi", bà Lệ chia sẻ.
Chia sẻ cơ hội với lớp nhân viên kế cận
Chia sẻ về vấn đề cần làm gì để các bạn trẻ thế hệ kế cận tiếp tục phát huy các giá trị của thế hệ trước, bà Trần Uyên Phương, cho biết: "Tại Tân Hiệp Phát, chúng tôi thấy thói quen người tiêu dùng thay đổi rất nhanh. Do đó sự thích nghi là quan trọng. Điểm mạnh của nữ giới là sự thích nghi, trong khi đó điểm mạnh của nam giới là sự thay đổi liên tục để đáp ứng người tiêu dùng".
Các nữ doanh nhân chia sẻ tại diễn đàn.
Bà Trần Uyên Phương nhấn mạnh: "Muốn đi nhanh và đi xa cùng nhau thì phải hợp tác. Đó là sức mạnh của nữ doanh nhân, chúng ta hãy hợp lực các công ty lại cùng nhau để cạnh tranh sòng phẳng, vượt lên các công ty đa quốc gia, như vậy chúng ta mới phát triển bền vững".
Nữ doanh nhân luôn hướng dẫn cho nhân viên mình, không chỉ với nhân viên nữ. "Đến mơ mà mình còn không dám thì nói gì đến thực hiện. Hãy nghĩ đến ngày bạn làm Giám đốc Khối, TGĐ của công ty này và nuôi dưỡng ước mơ đó từ khi bạn còn trong giai đoạn thử việc. Tôi luôn truyền sức mạnh cho nhân viên và những người xung quanh để họ can đảm chấp nhận hiện tại và vượt lên để xây dựng tương lai", bà Trần Uyên Phương thúc giục nhân viên.
Tân Hiệp Phát có khoảng 40% nữ nhân viên trong bộ máy quản lý. Bà Trần Uyên Phương nhìn thấy sự phát triển của nhân viên bằng chính sự quan tâm và làm gương của bản thân mình.
Trong khi đó, bà Trần Thị Lệ cho biết Nutifood đã chọn 137 em nhân viên có tố chất để kiên trì đào tạo, phát triển đội ngũ lãnh đạo kế cận.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, mạng lưới nữ doanh nhân Việt Nam có tiềm năng rất mạnh, đứng thứ 6 trên 54 nước trên thế giới nhưng chưa phát huy hết tiềm năng vì chưa kết nối được để tạo ra một sức mạnh tổng thể.
Bà Nga cho rằng, nếu những gì chúng ta chưa mạnh thì phải học hỏi thêm, hãy nhạy bén để thay đổi. Khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, có nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt Nam và doanh nhân nữ. Chị em hãy bình tĩnh tự tin để có những đường lối đúng đắn phát triển doanh nghiệp của mình.
"Chúng tôi cần nhiều sự hỗ trợ, sự hỗ trợ ngay trong nhà mình là bạn đời. Điều mong muốn của phụ nữ là được nhiều người quan tâm, đặc biệt ở đây là mong muốn Nhà nước quan tâm hơn tới nữ doanh nhân. Chúng tôi mong muốn có nghị quyết dành riêng cho doanh nhân nữ", Chủ tịch Tập đoàn BRG đề xuất .
Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, các nữ lãnh đạo có thể đào tạo, dẫn dắt mọi người để tạo thành công. "Với quan điểm của tôi, tôi sẽ truyền kinh nghiệm, bí quyết kinh doanh cho những ai có trái tim, trí óc nóng bỏng để xây dựng một Việt Nam thịnh vượng", bà Nguyễn Thị Nga khẳng định.
Bài và ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức
Hôm nay : 10151
Tháng này : 39844
Tổng truy cập : 88092291