Theo báo cáo của PCI 2019, 67% doanh nghiệp cho biết họ đã tự động hoá một phần công việc trong 3 năm qua và có tới 75% doanh nghiệp dự định sẽ tự động hoá các công việc mới trong 3 năm tới.
Toàn cảnh buổi lễ công bố trực tuyến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. (Ảnh chụp màn hình) |
Sáng 5/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức lễ công bố trực tuyến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019.
“Cùng lan tỏa những thông điệp cải cách môi trường kinh doanh” là chủ đề Báo cáo Chỉ số PCI 2019. Đây là lần đầu tiên báo cáo PCI phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động và việc làm.
Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn
Trình bày báo cáo PCI 2019, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Tuấn Anh cho biết, tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ ba liên tiếp là Quảng Ninh (73,40 điểm). Đồng Tháp (72,10 điểm), Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm) đã có sự tiến bộ vượt bậc.
Hà Nội chỉ xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng này với 68,80 điểm và TP. Hồ Chí Minh với 67,16 điểm, xếp thứ 14.
Năm 2019, tỉnh thấp nhất trong PCI có điểm số 60/100, điều này cho thấy, các địa phương đã thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Điểm bình quân PCI 2019 tăng cao nhất trong các năm, với mức điểm hơn 65 điểm thể hiện mức độ năng động sáng tạo của các tỉnh gia tăng mạnh mẽ.
Điểm sáng trong báo cáo PCI 2019 là các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế...
Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận thấy, 15 năm qua, PCI bền bỉ chuyển tải thông điệp về nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa. Điều này sẽ tạo ra công ăn việc làm, đóng góp ngân sách, tạo ra năng lực cạnh tranh và tăng cường sự thịnh vượng của quốc gia.
"PCI 2019 thể hiện chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương đã giữ vững xu hướng cải thiện theo thời gian. Một số chuyển biến tích cực rõ nét là mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp", ông Vũ Tiến Lộc đánh giá.
Theo Chủ tịch VCCI, PCI 2019 là cánh chim không mệt mỏi, sự năng động sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng có nhiều tiến bộ, khiến bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn và có tới 70-80% số doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của các cơ quan chính quyền.
Ở thời điểm giữa năm 2019, khi VCCI tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên.
Tuy vậy, PCI 2019 cũng đã chỉ ra một số lĩnh vực có mức độ cải cách chưa như kỳ vọng. Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong những năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh rằng, họ phải trả các chi phí không chính thức.
Xu hướng tự động hoá và số hoá đang được thúc đẩy mạnh mẽ. (Nguồn: Daidoanket) |
Doanh nghiệp chủ động tiếp cận với trào lưu công nghệ mới
Theo báo cáo của PCI 2019, mức độ tự động hoá hiện tại và dự kiến tại Việt Nam cao hơn dự đoán của nhóm tác giả. 67% doanh nghiệp cho biết họ đã tự động hoá một phần công việc trong 3 năm qua và có tới 75% doanh nghiệp dự định sẽ tự động hoá các công việc mới trong 3 năm tới. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI dự kiến sẽ tự động hoá từ 1/4 đến 1/3 số công việc do con người đang đảm nhiệm hiện nay.
“Sự mong manh của các chuỗi cung ứng trước các cuộc chiến tranh thương mại, trước dịch bệnh như Covid-19 hay những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu… đang thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng tự động hoá và số hoá. Đây là niềm vui khi doanh nghiệp Việt đã chủ động tiếp cận nhanh với trào lưu công nghệ mới. Nhưng cũng là nỗi lo cho bài toán việc làm, khi phần lớn người lao động ở nước ta kỹ năng còn thấp", ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, PCI 2019 phản ánh cục diện cải cách và môi trường kinh doanh ở cấp địa phương ở Việt Nam trước đại dịch Covid-19 bùng nổ. Vì vậy, tình hình hiện đã khác, nỗi lo suy thoái đang là xu hướng chủ đạo đối với doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, theo nhận định của Chủ tịch VCCI, chỉ số niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự điều hành của các cấp chính quyền năm 2020 chắc chắn sẽ vẫn khả quan.
"Việt Nam hiện đang trở thành một trong số các quốc gia hiếm hoi đã sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh để có thể tiên phong mở cửa thị trường, tái khởi động, phục hồi nền kinh tế... Đó là cơ hội vàng của người đi trước. Nhưng cũng hiểu rất rõ rằng, tái khởi động không phải là vẫn làm theo cách cũ.
Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh sáng tạo và phải có trách nhiệm hơn. Chính quyền kiến tạo song hành với doanh nghiệp sáng tạo và có trách nhiệm sẽ là những 'mái chèo' đưa con thuyền kinh tế Việt Nam vươn ra biển lớn", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Từ kết quả khảo sát PCI 2019 cùng bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, các chủ trương chính sách đang đi đúng hướng, nhưng cải cách giáo dục phải được gia tốc mạnh mẽ hơn, cần tăng cường tiếng nói và sự chung tay của giới doanh nghiệp trong việc đầu tư và định hướng các chương trình đào tạo.
Năm 2020, cùng với việc nâng cao kỹ năng của người lao động, cần có một chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân để nâng cấp, chuẩn hoá, quốc tế hoá doanh nghiệp đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Định hướng phát triển có trách nhiệm và bền vững phải là một yếu tố cấu thành quan trọng bậc nhất của chương trình quốc gia tái khởi động, phục hồi nền kinh tế.
Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên năm thứ 15 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh cũng như chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trên cả nước, với sự tham gia của gần 12.500 doanh nghiệp trong và ngoài nước. |
Hôm nay : 126
Tháng này : 46496
Tổng truy cập : 75394156