Sáng 5/5, tại Hà Nội diễn ra lễ công bố trực tuyến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Theo kết quả VCCI công bố, Quảng Ninh tiếp tục giữ ngôi quán quân. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh giữ chắc vị trí này. Hà Tĩnh xếp thứ 27/63 (Tụt 4 bậc so 2018)
16 tỉnh/thành phố có kết quả tốt nhất trong Bảng xếp hạng PCI năm 2019. Nguồn: VCCI.
Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên năm thứ 15 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Với sự tham gia của gần 12.500 DN , PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng DN trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019, Quảng Ninh là địa phương năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI. Riêng về điểm số so với chính mình, Quảng Ninh tăng 3 điểm, và trong 10 chỉ số thành phần thì có tới 8 điểm chỉ số thành phần so với năm trước. Đây là sự thay đổi tích cực của địa phương liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng.
Mặc dù là địa phương còn nhiều khó khăn về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, song Đồng Tháp tiếp tục nằm trong top 3 các địa phương có điểm số đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI.VCCI, dù còn nhiều khó khăn ở một số mặt, nhưng các DN tư nhân đang hoạt động tại địa phương này đều hài lòng về bộ máy chính quyền ở đây.
Nằm trong top 10 có Đà Nẵng, Long An, Hà Nội, Hải Phòng. Rất nhiều thành phố lớn nằm trong top 20. Đứng nhóm cuối trong bảng xếp hạng là các tỉnh Lai Châu, Bình Phước, Hà Giang, Bắc Kạn. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, điểm tích cực của bảng xếp hạng PCI 2019 là nhóm sau của bảng xếp hạng đang có sự cải thiện rất mạnh mẽ.
Những chỉ số trong bảng xếp hạng PCI 2019 cho thấy, các lĩnh vực đã được cải thiện, DN đã hài lòng hơn khi tiếp cận với các thủ tục hành chính, các lĩnh vực trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí không chính thức vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao khi giữ mức trên 53%.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, mặc dù con số này đã giảm so với tỷ lệ 66% của năm 2018, song đây vẫn là con số cho thấy các DN vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, vẫn phải chịu gánh nặng những chi phí ngoài luồng.
Lễ công bố chỉ số PCI hàng năm được xem là cơ hội để lãnh đạo các địa phương rà soát và đánh giá điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình điều hành của mình, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp hằm xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thông thoáng hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng DN.
Một số liệu thống kê cho biết, nếu PCI tăng 1 điểm thì số liệu DN đăng ký kinh doanh mới tăng 3%. Với 15 báo cáo thường niên, PCI đang góp phần tạo nên môi trường kinh doanh khởi sắc của Việt Nam ngày hôm nay. Khép lại một hành trình 15 năm cũng là lúc PCI theo đuổi mục tiêu đưa Việt Nam đứng trong top 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về thuận lợi trong môi trường kinh doanh.
Hương Thảo (Theo Đaidoanket.vn)
Hôm nay : 130
Tháng này : 41712
Tổng truy cập : 89665504