Tại hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải khẳng định: "Cơ hội đầu tư kinh doanh tại Hà Tĩnh đang ngày càng mở ra, với dư địa rộng lớn cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần. Chính quyền luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển với quan điểm thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”.
Chiều 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị gặp mặt, đối thoại với DN, doanh nhân năm 2022. Cùng dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân; Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Nguyễn Đình Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan. Hội nghị có sự tham dự của gần 200 DN, nhà đầu tư và hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn toàn tỉnh. |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, chúc mừng Ngày Doanh nhân 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải thay mặt lãnh đạo tỉnh ghi nhận, biểu dương và cảm ơn những đóng góp và kết quả đạt được của cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Các DN đã đồng hành cùng chính quyền thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, khẳng định những kết quả đạt được nhưng chúng ta không được chủ quan mà phải thấy tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh còn nhiều khó khăn; các DN trên địa bàn cũng đang còn hạn chế về quy mô, năng lực quản trị, vốn, thị trường; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Lãnh đạo tỉnh rất chia sẻ với những khó khăn hiện nay của các DN. Việc tổ chức hội nghị đối thoại hôm nay là cơ hội để lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trực tiếp lắng nghe kiến nghị, phản ánh, đề xuất của DN, từ đó cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có những giải pháp chỉ đạo kịp thời” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Hội nghị thu hút sự tham dự của gần 200 DN, nhà đầu tư và hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn toàn tỉnh.
Để hội nghị thể hiện đúng tính chất đối thoại, tương tác hai chiều, phản ánh đúng thực chất, nhận diện trúng vấn đề, tháo gỡ được các vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đại diện Hiệp Hội DN tỉnh, các Hội DN, các DN nêu cao trách nhiệm, phát biểu thẳng thắn, rõ địa chỉ, rõ vấn đề, gợi mở hướng xử lý các vướng mắc, bất cập trong quy định chính sách của tỉnh; chỉ đích danh sở, ngành, địa phương nào làm tốt; sở, ngành, địa phương nào còn chậm trễ, ách tắc thủ tục, cản trở sự phát triển chung.
Cùng với đó, tích cực tham gia góp ý, kiến nghị về các giải pháp, chính sách hoặc phản biện về những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị các doanh nghiệp, yêu cầu các sở, ngành, địa phương trả lời rõ ràng, mạch lạc, đi thẳng trực tiếp vào vấn đề, không “lòng vòng”; cần phải làm rõ đầu việc nào giải quyết được thì chỉ ra địa chỉ chịu trách nhiệm giải quyết ngay, đầu việc nào chưa thể giải quyết, phải có lý do xác đáng, chỉ ra chỗ vướng, ai chịu trách nhiệm chính, ai phối hợp để các DN, các cơ quan, cá nhân cùng chung tay giải quyết.
DN Hà Tĩnh đóng góp gần 79% tổng thu ngân sách Nhà nước
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tại hội nghị, đến nay, Hà Tĩnh có gần 8.300 DN đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 27 tỷ đồng/DN, đạt 6,9 DN/1.000 dân.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 1.015 hợp tác xã và hơn 3.850 tổ hợp tác, trên 60.000 hộ kinh doanh (trong đó có 52.500 hộ có đăng ký kinh doanh), đây là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, tiến tới thành lập DN.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà báo cáo tình hình hoạt động, phát triển doanh nghiệp, HTX và thu hút đầu tư năm 2022.
9 tháng năm 2022, toàn tỉnh thành lập mới 1.100 DN với tổng vốn đăng ký 7.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021; 297 DN hoạt động trở lại, tăng 16%.
Trong thời gian qua, cộng đồng DN đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tỷ lệ đóng góp của khu vực DN vào nguồn ngân sách tỉnh chiếm gần 79% tổng thu ngân sách và khoảng 81% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sự phát triển DN đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng (giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ), hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể; giải quyết việc làm cho gần 87.000 lao động.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh Lê Đức Thắng: Đề nghị UBND tỉnh sớm có chỉ đạo các đơn vị ban hành bảng giá đất sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp; sớm triển khai đấu giá các mỏ vật liệu xây dựng; triển khai đồng bộ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Cùng với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, trong thời gian qua, các DN đã tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư, trong 9 tháng năm 2022, Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án, trong đó 13 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 280 triệu USD.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.487 dự án, trong đó 1.410 dự án trong nước với tổng mức gần 136.000 tỷ đồng; 77 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 18,4 tỷ USD.
Thẳng thắn kiến nghị các khó khăn cần tháo gỡ
Tham gia đối thoại tại hội nghị, các doanh nghiệp, doanh nhân cảm ơn lãnh đạo tỉnh, chính quyền các địa phương luôn đồng hành, quan tâm, giúp đỡ cho cộng đồng DN, doanh nhân để đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, đánh giá cao sự điều hành hiệu quả của UBND tỉnh trong những năm qua. Đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị về phòng chống dịch, tạo điều kiện cho Nhân dân và DN khắc phục được khó khăn, sớm đi vào ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã triển khai kịp thời, đồng bộ các các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: chính sách về thuế, tín dụng, lao động...
Ông Nguyễn Tiến Trình - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh: Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị các ngành chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung, tránh chồng chéo…
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Tĩnh: Đề nghị tỉnh quan tâm hơn đến việc hỗ trợ doanh nghiệp có nữ làm chủ.
Đặc biệt, các đại biểu đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các nhóm vấn đề như: Đề nghị các cấp tập trung GPMB để doanh nghiệp sớm triển khai các dự án và công trình đã và đang đầu tư, vì đây là nút thắt, điểm nghẽn quan trọng nhất để đáp ứng tiến độ, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Sớm sửa đổi, bổ sung định mức trong xây dựng: về biện pháp thi công, giá nguyên vật liệu, giá nhân công hợp lý, phù hợp thực tế để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nới hạn mức cho vay để đáp ứng nhu cầu SXKD của DN. Sớm thành lập quỹ tín dụng hỗ trợ DN khởi nghiệp, ưu tiên cho DN trẻ khởi nghiệp và những lĩnh vực nhu cầu xã hội đang cần.
Cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, nhắc nhở để các DN dần khắc phục xử lý đảm bảo môi trường. Đề nghị bổ sung quy hoạch thêm mỏ vật liệu gồm: mỏ đất, mỏ đá do hiện nay DN đang khan hiếm vật liệu thi công các công trình...
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thanh Điện: Sở sẽ phối hợp các huyện, thị xã, thành phố rà soát các cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh về giá đất, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng; tham mưu sửa đổi, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Về vấn đề đảm bảo nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn KKT Vũng Áng thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh đấu giá, cấp phép khai thác khoáng sản bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng trên địa bàn…
Buổi đối thoại cũng nghe đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã trả lời, giải đáp những vấn đề doanh nghiệp nêu ra.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Hà: Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu giải pháp quản lý, bình ổn thị trường, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường; tham mưu xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, trục lợi theo quy định...
Các câu hỏi, kiến nghị còn lại của các doanh nghiệp được các sở, ngành theo chức năng, lĩnh vực sẽ tổng hợp và trả lời bằng văn bản cụ thể.
Luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục có văn bản trả lời thỏa đáng các kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp, HTX.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, đơn vị cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Thông qua vai trò của DN, doanh nhân để khai thác các tiềm năng lợi thế; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, phát huy các trụ cột kinh tế, động lực tăng trưởng mà tỉnh đã xác định, vươn lên trở thành tỉnh khá khu vực Bắc Trung Bộ.
Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: "Cơ hội đầu tư kinh doanh tại Hà Tĩnh đang ngày càng mở ra, với dư địa rộng lớn cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần. Chính quyền luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển với quan điểm thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới, đề nghị hệ thống chính trị, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã. Chủ động triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với định hướng phát triển rõ các ngành mang tính chiến lược, bảo đảm nền tảng bền vững cho thu hút đầu tư.
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần phát huy vai trò cầu nối, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trò chuyện với các doanh nhân bên lề hội nghị.
Đối với cộng đồng DN, doanh nhân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục đổi mới tư duy sản xuất kinh doanh, thích ứng với tình hình mới. Các doanh nghiệp của tỉnh cần tăng cường kết nối với nhà đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn. Xây dựng tinh thần hợp tác “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
Quan tâm đời sống công nhân, người lao động cả về vật chất và tinh thần. Tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong việc phục hồi, phát triển kinh tế; nêu cao tinh thần, trách nhiệm an sinh xã hội và chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hôm nay : 252
Tháng này : 17382
Tổng truy cập : 70051920