Ngày 28/10, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và UBND tỉnh sẽ tổ chức hội thảo trực tuyến “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh – kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào”. Báo Hà Tĩnh đã phỏng vấn Thượng tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty (TCT) Tân Cảng Sài Gòn về một số nội dung liên quan.
Thượng tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn
- Với tư cách là lãnh đạo của một đơn vị/doanh nghiệp hoạt động vận tải biển, logistics hàng đầu Việt Nam, xin ông cho biết Hà Tĩnh có những điều kiện “cần và đủ” gì để phát triển hệ sinh thái logistics?
Hà Tĩnh có đầy đủ “điều kiện cần” để phát triển hệ sinh thái logistics. Trước hết, Hà Tĩnh là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung Bộ và một phần của Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Ngoài ra, cụm cảng Vũng Áng được quy hoạch là cảng loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030, có vị trí “vàng” trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế.
Thứ đến, cơ sở hạ tầng kết nối thông suốt liên vùng, đa phương tiện như kết nối sân bay Vinh và Đồng Hới; tuyến đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng sẽ được đầu tư; đường sắt kết nối Viêng Chăn - Vũng Áng cũng đang được Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào tích cực triển khai.
Cụm cảng Vũng Áng được quy hoạch là cảng loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030, có vị trí “vàng” trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế.
Đặc biệt, quy hoạch Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng thực sự trở thành KKT đa chức năng, là điểm tập kết hàng từ các KKT, khu - cụm công nghiệp thuộc Hà Tĩnh và khu vực Bắc Quảng Bình để vận chuyển đến cảng Hải Phòng bằng đường biển; vận chuyển trực tiếp bằng đường biển đến các cảng trung chuyển lớn trong khu vực như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore; vận chuyển bằng đường bộ (QL 8 và QL 12C) đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Cũng cần nói thêm, những năm gần đây Hà Tĩnh trở thành “điểm đến đầu tư” đầy triển vọng, hiện nằm trong các tỉnh tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới với nhiều dự án lớn đi vào hoạt động như Nhà máy sản xuất chế biến lâm sản An Việt Phát, các dự án của Vingroup…
Cùng với đó, điều kiện đủ là chiến lược phát triển dài hạn của tỉnh Hà Tĩnh hợp tác cùng với TCT Tân Cảng Sài Gòn để phát triển trung tâm Logistics tại Vũng Áng.
Theo đó, ngày 10/04/2021, chuyến tàu container đầu tiên cập Cảng quốc tế Lào - Việt (cảng Vũng Áng) do Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt và Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng (Tân Cảng Shipping) - thành viên thuộc hệ thống TCT Tân Cảng Sài Gòn hợp tác triển khai, kết nối hàng hóa từ Vũng Áng đến các cảng trung chuyển Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cái Mép và ngược lại.
Lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và UBND tỉnh Hà Tĩnh ký “Biên bản ghi nhớ” hợp tác về việc khảo sát, hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh tư liệu)
Tuyến dịch vụ biển đã đưa vào khai thác ổn định hàng tuần, đảm bảo nhu cầu vận chuyển cho các doanh nghiệp trong khu vực, tỉnh Hà Tĩnh và nước bạn Lào. Song song đó, sự đồng hành của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sự mở rộng phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ giúp phát triển thành công chiến lược dài hạn này.
- Hội thảo trực tuyến “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh – kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào” đặt ra những mục tiêu gì, thưa ông?
Trong hội thảo này, đại diện lãnh đạo Hà Tĩnh, các sở, ban, ngành; cùng TCT Tân Cảng Sài Gòn; doanh nghiệp Lào và các khách mời sẽ chia sẻ thông tin, giới thiệu tiềm năng kết nối hàng hóa liên vùng từ Đông Bắc Thái Lan, Lào qua cụm cảng Vũng Áng bằng đường biển đến cụm cảng Cái Mép, Lạch Huyện (Hải Phòng) thông thương với các quốc gia trên thế giới.
Đồng thời, Hà Tĩnh là điểm đến hấp dẫn với nhiều chính sách thu hút đầu tư, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hội tụ về đây. Hơn thế, những đề xuất, kiến nghị chính sách thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phát triển các cơ sở và dịch vụ logistics.
Với mục tiêu tạo ra được sự đồng thuận và tầm nhìn chung, hướng tới sự kết nối, đồng hành cùng nhau để phát triển các dịch vụ logistics tại Hà Tĩnh cũng như tăng cường luồng hàng hóa quốc tế từ Lào và Thái Lan thông qua cảng Vũng Áng trong thời gian tới.
TCT Tân Cảng Sài Gòn là nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam với các dịch vụ như: Xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải, cứu hộ, cứu nạn, hoa tiêu, địa ốc, cao ốc văn phòng, xây dựng công trình dân sự, quân sự... và vận tải đa phương thức.
TCT Tân Cảng Sài Gòn sẽ thể hiện vai trò tiên phong trong việc phát triển dịch vụ vận tải biển và logistics tại các thị trường mới như thế nào?
Với vị thế là nhà khai thác cảng và logistics hàng đầu tại Việt Nam, TCT Tân Cảng Sài Gòn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, cũng như cơ hội rất lớn của mình trong việc phát triển các hoạt động logistics.
Với vai trò tiên phong của mình, Tân Cảng Sài Gòn đã mở tuyến vận tải biển Hồ Chí Minh – Vũng Áng – Hải Phòng, đồng thời truyền các thông điệp thu hút đầu tư đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics về địa bàn tiềm năng như Hà Tĩnh. Kết nối với hệ sinh thái cảng biển, ICD (cảng cạn/ cảng khô/ cảng nội địa), kho bãi, dịch vụ logistics hiện hữu của TCT Tân Cảng Sài Gòn. Qua đó, mang lại cho khách hàng trên địa bàn Hà Tĩnh, khu vực Bắc Trung Bộ, nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan những giải pháp logistics hiệu quả.
Chúng tôi tin rằng, hệ sinh thái logistics tại Vũng Áng - Hà Tĩnh sẽ sớm được hoàn thiện, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế chung toàn vùng.
Xin cảm ơn ông!
Chuyến hàng container của TCSG cập cảng Vũng Áng vào 12/7/2021
Hội thảo trực tuyến sẽ diễn ra vào 8h30 ngày 28/10/2021 ở hai điểm cầu gồm: UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, số 722, đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. |
Hôm nay : 253
Tháng này : 17395
Tổng truy cập : 70058441