Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT), dịch COVID-19 đang là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm mạnh của doanh nghiệp. Bốn tháng đầu năm nay, có tới 41.755 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn 11% so doanh nghiệp thành lập mới.
Theo đó, trung bình mỗi tháng có 10.438 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng giai đoạn 2015 - 2020.
Trong tháng 4/2020, số doanh nghiệp thành lập mới là 7.885 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 93.854 tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019. “Từ ngày 1 - 22/4, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nên số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm mạnh”, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nói. Lũy kế 4 tháng năm 2020, Việt Nam có 37.596 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 4/2020 là 3.810 doanh nghiệp, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đây có thể là tín hiệu cho thấy, một bộ phận doanh nghiệp đã tái khởi động lại để chuẩn bị đón những cơ hội kinh doanh mới khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
“Như vậy, mục tiêu Việt Nam đạt 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 có thể không đạt được. Kể cả trong trường hợp nền kinh tế phục hồi, số doanh nghiệp thành lập mới phá kỷ lục của năm ngoái thì toàn nền kinh tế cũng chỉ đạt khoảng 900.000 doanh nghiệp”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) nói.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, số lượng doanh nghiệp chỉ phản ánh một phần năng lực của nền kinh tế. Điều quan trọng hơn, số doanh nghiệp ở ngành nghề nào, thành phần kinh tế nào, hiệu quả hoạt động ra sao? Doanh nghiệp thành lập phải phù hợp xu hướng phát triển của thời đại mới là vấn đề quan trọng, không thể cứ tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn.
Ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị: Nhà nước cần có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy lùi khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách cho khu vực doanh nghiệp; khai thác và phát triển thị trường nội địa; cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu; cơ cấu khu vực doanh nghiệp để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với các địa phương, Tổng cục Thống kê kiến nghị: Cần xác định lợi thế và tiềm năng của địa phương để định hướng phát triển doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng bứt phá, bền vững. Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, hiệu quả với nguồn hỗ trợ, ưu đãi...
Minh Phương/Báo Tin tức
Hôm nay : 763
Tháng này : 11056
Tổng truy cập : 85922642