Là một doanh nhân và là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Hà Tĩnh, Ủy viên BCH Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Công ty CP Giải pháp tổng thể Marketing Việt Nam đã đưa ra quan điểm về chuyển đổi số trong công tác vận hành và quản lý doanh nghiệp.
Từ rất sớm, vào năm 2015, tôi đã áp dụng các ứng dụng nền tảng số vào hoạt động doanh nghiệp của mình, đến nay, chuyển đổi số đã được thực hiện khá đồng bộ vào tất cả quá trình, từ bán hàng đến quản trị và vận hành doanh nghiệp.
Trong chuyên môn và lĩnh vực chuyển đổi số, tôi là quán quân Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022 do UBND tỉnh tổ chức với dự án "Ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nền tảng Marketing cho doanh nghiệp".
Hiện tại, tôi cũng đang là Founder (người sáng lập) và giám đốc của doanh nghiệp chuyên về marketing là Công ty CP Giải pháp tổng thể Marketing Việt Nam. Công ty chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn và xây dựng nền tảng marketing cho doanh nghiệp như nền tảng website, facebook, thiết lập và vận hành sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki…) và gần đây là nền tảng Tiktok.
Anh Nguyễn Văn Hiếu giành giải nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2022.Với vai trò của mình, tôi được tiếp cận với nhiều doanh nhân là giám đốc của những doanh nghiệp lớn ở Hà Tĩnh, thời gian phát triển từ 20-30 năm; đồng thời cũng có rất nhiều doanh nghiệp trẻ. Nhiều doanh nhân được đào tạo bài bản, được tiếp cận công nghệ 4.0, tư duy đổi mới đã hiểu tầm quan trọng của chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Tĩnh đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý và vận hành, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh. Kết quả này là nhờ Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ban, ngành thường xuyên có các hoạt động đào tạo, tập huấn, mời các diễn giả chuyên môn chia sẻ về chuyển đổi số, công nghệ số.
Chương trình cà phê doanh nhân đã góp phần nâng cao nhận thức chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp Hà Tĩnh.Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Hà Tĩnh, Ủy viên BCH Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh, thời gian qua, tôi đã cùng BCH tiên phong tổ chức các hoạt động trao đổi, hỗ trợ về chuyển đổi số như: phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức chương trình cà phê doanh nhân để mời các diễn giả có chuyên môn về nền tảng số chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp.
Công ty CP Giải pháp tổng thể Marketing Việt Nam tại Hà Tĩnh cũng kết hợp với Trường Đại Học Hà Tĩnh tổ chức các đợt tập huấn về ứng dụng truyền thông số trong quảng bá và phát triển du lịch tại các địa phương...
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít doanh nghiệp Hà Tĩnh chưa ứng dụng nhiều chuyển đổi số, nền tảng số vào vận hành và quản lý doanh nghiệp. Theo cá nhân tôi, nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang kinh doanh tại thị trường trong tỉnh. Khác với các doanh nghiệp từ thành phố lớn hoặc các nhãn hàng, thương hiệu lớn sẽ có xu hướng mở về các tỉnh lẻ; còn doanh nghiệp từ tỉnh lẻ chưa vươn ra xa, vì thế nhu cầu cũng như tư duy để ứng dụng nền tảng số chưa cao.
Cần có thêm các chương trình tập huấn giúp doanh nghiệp, doanh nhân Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất và kinh doanh trên sàn TMĐT.Doanh nghiệp tại Hà Tĩnh cũng đang bị hạn chế tiếp cận thông tin, cập nhật những thay đổi từng ngày về công nghệ số, chuyển đổi số; không có điều kiện để tiếp xúc và nhận được những chia sẻ hoặc học hỏi từ các doanh nghiệp đã ứng dụng hiệu quả như tại các thành phố lớn.
Lấy ví dụ để so sánh, nếu đối với các doanh nghiệp lớn và có hệ thống nhiều chi nhánh, nhiều địa điểm kinh doanh, họ sử dụng ERP - Giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp, quản trị tất cả trên một nền tảng. Vì vậy, với hàng ngàn cửa hàng bán lẻ nhưng họ có thể kiểm soát được doanh số bán hàng, tồn kho, hiệu quả kinh doanh theo ngày, theo tuần, theo tháng; nhân sự chỉ cần quét vân tay, chấm công bằng gương mặt thì hệ thống cuối tháng đã tính ra tiền lương.
Dù chỉ cần 1 kế toán nhưng có thể tính lương cho hàng ngàn nhân sự và còn rất nhiều các phân hệ quản trị khác… Tất nhiên chi phí để đầu tư và vận hành hệ thống ERP này là rất cao nên chỉ những doanh nghiệp thực sự lớn mới có thể đầu tư.
Còn tại Hà Tĩnh, đa số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới dừng lại ở phần mềm bán hàng đơn giản như Kiot Việt, Sapo… chỉ theo dõi bán hàng, tồn kho, báo cáo đơn giản.
Công ty CP Dược Hà Tĩnh đã sử dụng phần mềm ERP quản trị doanh nghiệp tổng thể.Tất nhiên, bên cạnh những hạn chế, tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp Hà Tĩnh đã áp dụng đến phần mềm CRM (quản lý quan hệ khách hàng). Ngoài quản trị bán hàng, tồn kho thì CRM phân chia và quản trị được từng đối tượng khách hàng; có thể thiết lập được các quy trình công việc để thực hiện việc quản trị công việc từ xa và từ nhiều chi nhánh, kho hàng.
Về nền tảng thanh toán trực tuyến, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng và đã trở nên phổ biến. Hóa đơn điện tử được áp dụng bắt buộc nên doanh nghiệp cơ bản đã áp dụng triệt để. Những năm gần đây, khi bán hàng online nở rộ, một số nhỏ doanh nghiệp đã đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, có các hoạt động livestream bán hàng, tiêu thụ hàng nông sản, sản phẩm địa phương.
Trong bối cảnh Hà Tĩnh hiện nay, vai trò của doanh nhân càng trở nên quan trọng hơn khi họ không chỉ là người ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn là người truyền cảm hứng, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp cùng tiến bước trên con đường số hóa. Vì vậy, chủ doanh nghiệp phải thực sự quyết liệt để đẩy mạnh chuyển đổi số.
Doanh nhân Hà Tĩnh không chỉ là người ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn cần truyền cảm hứng, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp cùng tiến bước trên con đường số hóa.Thực tiễn tại Hà Tĩnh cho thấy, một số doanh nghiệp, doanh nhân đã đạt được những kết quả ấn tượng nhờ vào việc ứng dụng công nghệ số. Những doanh nghiệp này không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn góp phần xây dựng hệ sinh thái số tại địa phương, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế số.
Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế số tại Hà Tĩnh, các chủ doanh nghiệp cần xác định rõ ràng chiến lược phát triển dựa trên nền tảng số. Cụ thể, doanh nghiệp cần tập trung vào các giải pháp như: Nâng cao kỹ năng công nghệ cho nhân viên; đầu tư vào các giải pháp công nghệ trong vận hành doanh nghiệp; xây dựng các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác truyền thông, công nghệ uy tín trong tỉnh.
Đồng thời, sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương cũng là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi số. Về vấn đề này, thời gian qua Hà Tĩnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp tại Hà Tĩnh đang gặp khó khăn về tiếp nhận thông tin, cập nhật về chuyển đổi số, công nghệ số. Vì vậy mong các cơ quan có thẩm quyền tăng cường tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, mời các chuyên gia, tạo diễn đàn để các doanh nghiệp có cơ hội được học tập, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số để lan tỏa nhiều hơn.
Sự đồng hành của các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân và chính quyền địa phương là chìa khóa không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình hoạt động mà còn nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường; để Hà Tĩnh trở thành một trong những điểm sáng về kinh tế số trong tương lai.
ADVERTISEMENT
Hôm nay : 89
Tháng này : 648
Tổng truy cập : 91476391