Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc với tinh thần "tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển"Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc với tinh thần "tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển"
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc với tinh thần "tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển".
Sáng 21/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cùng tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Thủy sản Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE).
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát…
Tuy đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn nhưng lực lượng này chưa thực sự dẫn dắt được nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn… còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.
Chẳng hạn, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của một số doanh nghiệp tư nhân lớn đạt khoảng 70 tỷ USD. Như vậy, tổng tài sản của các tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam chỉ tương đương tài sản của Tập đoàn Infosys, Ấn Độ. Đó là chưa kể nếu so sánh với các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực bất động sản, khoa học, công nghệ, ô tô… của các nền kinh tế khác.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, 80% lợi nhuận toàn cầu được tạo ra bởi 10% doanh nghiệp lớn nhất, các doanh nghiệp lớn bình quân đóng góp đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu, một nửa tốc độ tăng xuất khẩu của quốc gia. Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc gắn liền với các thương hiệu lớn của quốc gia như Samsung, Huyndai hay SK. Khi nhắc đến thương hiệu Honda, Toyota, chúng ta nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản…
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. |
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến được nêu, khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành sản phẩm của Hội nghị dưới hình thức một thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần tiếp thu, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua vừa qua do nhiều yếu tố chưa có tiền lệ, như đại dịch COVID-19, chiến tranh, cạnh tranh chiến lược, đứt gãy chuỗi cung ứng; cảm ơn các doanh nghiệp đã luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân để góp phần khắc phục khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Thủ tướng khẳng định: "Chúng tôi rất tin tưởng, tự hào vào sự trưởng thành lớn mạnh, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp tham dự hội nghị".
Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phát huy 6 tiên phong:
Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ hai, tiên phong tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia.
Thứ ba, tiên phong tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư, tiên phong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh.
Thứ năm, tiên phong góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản trị thông minh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ sáu, tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.
Tại Hội nghị, tất cả các doanh nghiệp tham gia đều chia sẻ về tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ; chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.
Các doanh nghiệp đề xuất một số ý tưởng phát triển doanh nghiệp dân tộc Việt Nam mạnh, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh; tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Group, bà Nguyễn Thị Phương Thảo mong muốn Thủ tướng Chính phủ tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế, môi trường cho các doanh nghiệp dân tộc để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Trong đó, tạo môi trường cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động toàn xã hội; tạo điều kiện, cơ chế để Vietjet chủ động đầu tư, xây dựng một đội máy bay Việt Nam hùng mạnh.
Bà hoan nghênh chính sách thị thực (e-visa) giúp hàng không thu hút nhanh nhất khách du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam; đặc biệt bày tỏ ước mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không, động lực tăng trưởng của hàng không khu vực và thế giới, trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa; trung tâm đào tạo, công nghệ hàng không, trung tâm sửa chữa bảo dưỡng tàu bay…
Còn ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings lại mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển khu công nghiệp thế hệ mới có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực.
Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings cũng mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai đối với phát triển hạ tầng Khu công nghiệp; khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo triển khai nhanh.
Nhấn mạnh các giải pháp về cơ chế, chính sách, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) đề xuất thể chế hóa, với cơ chế đặc thù cho việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, có cơ chế về giao đất, thuế đất; cơ chế ưu tiên các dự án có hiệu quả tổng hợp; tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục đầu tư theo hướng nhanh hơn, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án theo hình thức BT; xem xét thí điểm mô hình, cơ chế đặc thù tương tự như mô hình khu kinh tế tự do trên thế giới; xem xét có chính sách thí điểm tạo điều kiện thuận lợi cho phép người nước ngoài mua bán, sở hữu bất động sản du lịch; có cơ chế đặc thù để hỗ trợ việc xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP nhằm kết nối giao thông tới các điểm đến du lịch tiềm năng nhưng còn khó tiếp cận…
Bà Thái Hương, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, cho rằng đầu tư vào sức khỏe là góp phần cải thiện nòi giống của một dân tộc, là đầu tư vào sự phát triển mang tính chiến lược của quốc gia.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu dinh dưỡng quốc gia, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường.
Bà Hương kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm chương trình sữa học đường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để trẻ em được uống sữa bảo đảm chất lượng; tập trung đất đai, thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư nông nghiệp, đưa nông dân trở thành công nhân nông nghiệp – là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.
Đại diện các tập đoàn hiến kế cho Chính phủ | Ảnh: VGP |
Lắng nghe các góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng giao các bộ, ngành tiếp thu và phải giải quyết với các giải pháp cả trước mắt và lâu dài trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ cảm ơn các doanh nghiệp đã đề xuất giao các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường sắt đô thị, sản xuất thép, xây dựng các tuyến cao tốc, nhà máy điện, sân bay, bến cảng, trung tâm triển lãm quốc gia, nhà ở xã hội, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao thể chất người dân…
Trên cơ sở các đề xuất, các cơ quan sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để thực hiện.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xử lý công việc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để cùng các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả.
Ngoài hội nghị này, Thủ tướng giao các bộ ngành tổ chức các hội nghị chuyên đề với doanh nghiệp theo các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, thuế, đầu tư… theo tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được".
Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành, nếu được phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp thì trực tiếp lắng nghe và giải quyết dứt điểm theo chức năng, thẩm quyền của mình, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.
"Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng khẳng định các cơ quan tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, góp phần đắc lực, hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm xác định người dân và doanh nghiệp nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển.
"Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hôm nay : 253
Tháng này : 17382
Tổng truy cập : 70051636