Đến nay, không chỉ 50 triệu người ở Hồ Bắc, mà có tới 780 triệu người trên khắp Trung Quốc đang chịu một số dạng kiểm soát đi lại, phong tỏa, trong nỗ lực chống dịch bệnh.
Theo New York Times, đây chắc chắn là chiến dịch kiểm soát đi lại và phong tỏa lớn nhất trong lịch sử. Toàn bộ bộ máy chính quyền Trung Quốc cũng như mọi ủy ban, tổ tự quản ở những cấp nhỏ nhất được huy động.
Chính quyền tỉnh Hồ Bắc cho biết mọi người dân đi mua thuốc trị ho và sốt sẽ được chính quyền theo dõi, theo CNN. Nhân viên y tế sẽ thu thập thông tin cá nhân của những ai mua thuốc ở tỉnh này từ ngày 20/1, dù là mua trên mạng hay ở cửa hàng.
Những người đó có thể phải kiểm tra sức khỏe thêm, thậm chí cách ly nếu cần. Những ai có triệu chứng sốt trong khi đi khám ở tỉnh Hồ Bắc từ ngày 20/1 cũng sẽ phải kiểm tra, cũng theo thông báo từ tỉnh Hồ Bắc.
Nhiều thành phố đã ra lệnh mỗi gia đình chỉ được một người ra ngoài vài ngày một lần. Các khu dân cư đã phải cấp giấy tương tự “giấy thông hành” để thực thi việc kiểm soát số lần ra ngoài.
Nhiều chung cư cấm vào đối với chính người dân sống ở đó, nếu họ trở về từ nơi khác sau khi nghỉ ăn Tết. Các ga tàu cấm hành khách vào thành phố nếu không thể chứng minh đang sống, làm việc tại đây.
Ở nông thôn, các ngôi làng bị chặn lối vào bởi xe cảnh sát, trạm kiểm soát và các hàng rào tạm.
Các biện pháp kiểm soát đòi hỏi số lượng nhân lực khổng lồ, từ tổ dân phố đến tình nguyện viên, để đo thân nhiệt, điền vào hành trình đi lại của người dân, quản lý các nơi cách ly, và quan trọng nhất là cấm người ngoài đi vào.
Các lệnh phong tỏa, với mức độ khác nhau, giờ đây đang bao phủ ít nhất 780 triệu người ở quốc gia 1,4 tỷ dân, theo một phân tích của New York Times dựa vào các quy định phong tỏa mà các tỉnh, thành phố Trung Quốc đã tuyên bố cho đến nay.
Trong đó, nhiều thành phố cách xa so với Vũ Hán, nơi được cho là khởi nguồn của dịch bệnh.
Người của tổ dân phố đứng gác, giám sát ra vào tại cổng một khu dân cư ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images. |
Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi “chiến tranh nhân dân” để đối phó dịch bệnh. Nhưng các lệnh cô lập đã ngăn không cho nhân viên trở lại làm việc, khiến nhiều doanh nghiệp có mở lại dây truyền sản xuất nhưng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực vì các hoạt động cách ly phòng ngừa dịch bệnh.
Trên khắp Trung Quốc, nhiều khu dân cư và địa phương đang ra các quy định giới hạn đi lại riêng, như vậy con số thực tế những người bị ảnh hưởng có thể con cao hơn ước tính 780 triệu người.
Vì một số địa phương ra các quy định riêng với những biện pháp nghiêm ngặt. Li Jing, 40 tuổi, giáo sư xã hội học tại Đại học Chiết Giang, thành phố Hàng Châu, suýt nữa không đưa được người chồng bị hóc xương tới bệnh viện. Lý do là vì khu vực của cô chỉ cho phép một người từ mỗi gia đình ra khỏi nhà cứ mỗi hai ngày.
Các ủy ban (hoặc tổ) tự quản ở các địa phương đã trở thành tiền tuyến của cuộc chiến chống dịch. Bình thường, các tổ dân phố này thay chính quyền giám sát các khu dân cư, dàn xếp các tranh chấp và duy trì trật tự xã hội ở cấp cơ sở.
Nhân lực để thực hiện kiểm soát trên diện rộng có thể đòi hỏi những con số khổng lồ. Chẳng hạn, tỉnh Chiết Giang ở phía đông Trung Quốc có dân số 60 triệu người cần 330.000 nhân lực. Tỉnh Quảng Đông ở phía nam đã kêu gọi được 177.000 người. Các thành phố Tứ Xuyên có 308.000 người, còn Trùng Khánh đã có 118.000 người, theo New York Times.
Chính quyền cũng vận dụng công nghệ di động để theo dõi những ai có thể đã tiếp xúc với virus. Các mạng viễn thông của nhà nước cho phép người dùng nhắn tin vào đường dây nóng để biết danh sách các tỉnh mà họ tới gần đây.
Tuần trước, ở một bến tàu tại thành phố Nghĩa Ô phía đông, các nhân viên trong đồ bảo hộ trùm kín yêu cầu các hành khách gửi tin nhắn vào đường dây nóng để kiểm tra danh sách các tỉnh mà họ tới gần đây, trước khi cho họ ra khỏi bến.
Tại một ga tàu ở thành phố Nghĩa Ô, hành khách bị kiểm tra địa chỉ, nếu không có sẽ không được vào thành phố. Ảnh: New York Times. |
Một ứng dụng khác từ công ty chuyên sản xuất thiết bị điện tử cho quân đội cho phép nhập tên và số căn cước để kiểm tra xem họ có tiếp xúc với ca bệnh nào đó trên tàu, máy bay, xe buýt hay không.
Vẫn còn sớm để khẳng định chiến lược của Trung Quốc có hiệu quả trong việc ngăn lây nhiễm hay không. Với số ca nhiễm mới vẫn gần 2.000 mỗi ngày, chính quyền rõ ràng có cơ sở khi muốn hạn chế đi lại, tiếp xúc, New York Times bình luận.
ỞChiết Giang, một trong những tỉnh phát triển nhất của Trung Quốc, nơi có trụ sở Alibaba và các hãng công nghệ, một số người đã phàn nàn trên mạng xã hội về việc bị từ chối vào chung cư. Họ cho biết bị buộc phải đưa ra giấy tờ từ cơ quan hay chủ nhà, nếu không sẽ phải ở ngoài đường.
Nada Sun, tới thăm gia đình ở Ôn Châu, thành phố ven biển ở Chiết Giang, phải tới viện vì có triệu chứng tức ngực. Dù không bị sốt, bệnh viện vẫn thực hiện hàng loạt xét nghiệm. Tuy đều âm tính, nhưng trở về căn hộ, cô vẫn bị yêu cầu cách ly hai tuần.
Cô cũng bị thêm vào một nhóm chat WeChat với giới chức địa phương cùng một số tình nguyện viên khác, và cô phải báo cáo vị trí và nhiệt độ của mình hai lần một ngày.
“Tôi lo lắng rằng họ có quá nhiều thông tin”, cô nói với New York Times.
Nhiều người dân lại nhanh chóng thích ứng với lệnh phong tỏa, vẫn thoải mái khi làm ở nhà, đặt đồ ăn trên mạng.
Bob Huang, một người Mỹ sinh ra ở Trung Quốc, đang sống ở tỉnh Chiết Giang, là một tài xế tình nguyện đưa khẩu trang cho một số khu dân cư. Ông cho biết một số khu nhà không cho ông vào, một số khác thì ghi lại thông tin của ông.
Một ngôi làng thậm chí còn “thử” ông, bằng cách hỏi một vài câu hỏi bằng thổ ngữ. Không nói được giọng của người trong làng, ông không được cho vào.
Tình nguyện viên phun tẩy trùng một khu dân cư đã có nhiều ca nhiễm ở Thái Châu, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Reuters. |
Một số vùng khác kiểm soát chặt chẽ hơn. Hàng Châu đã cấm hiệu thuốc bán thuốc giảm đau để buộc những ai có triệu chứng phải tới viện khám. Thành phố Nam Ninh yêu cầu mọi người đi taxi phải có căn cước và để lại thông tin liên lạc. Tỉnh Vân Nam yêu cầu mọi nơi công cộng phải có mã QR để mọi người quét mã mỗi khi ra vào.
Nhiều nơi đã đóng cửa các điểm tụ tập. Cảnh sát tỉnh Hồ Nam tháng này đã phá hủy một điểm chơi mạt chược sau khi phát hiện 20 người đang chơi.
Nhận ra các địa phương đang phản ứng không thống nhất, chính quyền trung ương kêu gọi các thị trấn, làng mạc gỡ bỏ các chốt chặn không cần thiết, và bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm có thể đi qua dễ dàng.
Chung cư của Zhang Yingzi ở Hàng Châu ban đầu cấm mọi người từ ngoài Hàng Châu trở về. Sau đó, lệnh cấm được thu hẹp, chỉ áp dụng cho người trở về từ tỉnh Hồ Bắc và hai thành phố Ôn Châu, Thái Châu của tỉnh Chiết Giang - những nơi có nhiều ca nhiễm mới.
“Cấm tất cả người từ bên ngoài trở về là không khả thi”, Zhang, 29 tuổi, một kế toán viên, nói với New York Times. “Như thế quá nhiều người, nhiều người phải quay lại làm việc”.
Dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng không thể nới lỏng kiểm soát quá nhanh. Zhang Shu, 27 tuổi, lo ngại rằng cha mẹ và hàng xóm của cô đang coi thường đe dọa từ virus, dù bên ngoài nhà cô ở ngoại ô thành phố Ôn Châu, loa của địa phương vẫn liên tục nhắc người dân ở nhà.
“Mọi người đang dần cảm thấy tình hình không còn tồi tệ nữa”, Zhang lo ngại.
73.336 CA NHIỄM; 1.874 CA TỬ VONG; 12.876 CA PHỤC HỒI
16 CA NHIỄM; 0 CA TỬ VONG; 11 CA PHỤC HỒI
Nguồn: Đại học Johns Hopkins, Ủy ban Y tế Nhà nước Trung Quốc, truyền thông các nước.
Cập nhật lúc: 14:00 18/02/2020
Hôm nay : 2661
Tháng này : 27936
Tổng truy cập : 98039002