NSƯT Trần Hạnh chia sẻ, dù ở tuổi 91, mắt kém chân run nhưng ông vẫn đi nhận bằng khen tặng danh hiệu NSND vì đó là sự ghi nhận đáng trân trọng về nghề ông theo đuổi suốt hơn 60 năm.
Từng làm hồ sơ để xét tặng danh hiệu NSND nhưng thiếu huy chương, Trần Hạnh chỉ biết cười vì ở tuổi xưa nay hiếm, ông làm thế nào để cho đủ bây giờ. Nhưng cuối cùng, với những đóng góp của ông cùng sự ghi nhận của khán giả và các cấp lãnh đạo, Trần Hạnh cuối cùng cũng được phong danh hiệu NSND.
Tới đây, ông cùng rất nhiều đồng nghiệp khác sẽ vinh dự vào Nhà hát Lớn để nhận tấm bằng trao tặng của Chủ tịch nước cho những đóng góp về nghệ thuật của mình, nhưng ông bảo, mắt kém chân run thế này thì...
NSƯT Trần Hạnh chia sẻ, dù ở tuổi 91, mắt kém chân run nhưng ông vẫn đi nhận bằng khen tặng danh hiệu NSND của Chủ tịch nước vì đó là sự ghi nhận đáng trân trọng về nghề ông theo đuổi suốt hơn 60 năm.
- Là một trong số nhiều người được đặc cách và tới đây, ông sẽ được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NSND, ông đón nhận tin vui này như thế nào?
Nói thật, tôi không đọc báo, cũng chẳng xem ti vi. Thấy mọi người cứ ầm ĩ lên tôi được thế này được thế kia, chứ tôi có biết gì đâu. Thêm nữa, hơn 60 năm đi làm từ sân khấu kịch cho tới đóng phim truyền hình tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ được cái này, được cái kia. Tôi chỉ mong nhân vật mình đóng thật tốt, thật tròn, khán giả và đạo diễn ưng ý , thế là tôi mừng.
Trước còn công tác thì cứ tới kỳ cuộc mà đủ huy chương, tôi cũng như bao nghệ sĩ khác đều làm hồ sơ. Nhưng giờ tôi chẳng nghĩ nữa thì Nhà hát Kịch Hà Nội, anh em làm hồ sơ cho tôi. Mà thật, giờ này, có được hay không tôi cũng không quan trọng lắm, được là mừng, không thì tôi cũng không vì thế mà giận hờn.
- Biết tin bố nhận được danh hiệu NSND, các con ông chắc cũng rất vui?
Chúng nó vui chứ. Chắc hôm được nhận bằng trao tặng, các con tôi sẽ đưa tôi đi. Mệt mấy tôi cũng đi, mắt kém cũng đi vì đó là sự ghi nhận đáng trân trọng về nghề.
Dạo này tôi yếu rồi. Một bên mắt của tôi không nhìn thấy được, một bên thì kém. Bác sĩ bảo mắt tôi bị thoái hóa, không chữa được, chỉ thay thôi. Mà thay cũng phải chờ ai có mắt hợp mới thay được. Nên giờ tôi cũng chỉ loanh quanh trong nhà, trên tầng 3 thôi không ra cửa hàng trông nom cho con như trước.
Lâu lâu tôi bảo chúng đưa ra tí xem con cái làm ăn thế nào, phố phường tấp nập ra sao rồi chúng lại đưa về. Tôi tính rồi, có chút tiền thưởng gọi là, tôi sẽ chia cho các con cháu mỗi người một chút, gọi là lộc của ông.
Nói thật, giờ già rồi phải chịu vì bệnh tình chứ mà có sức khỏe thì tôi cũng muốn ra ngoài cho thoải mái, không phiền các con, mặc dù chúng chăm bố lắm.
Cuộc sống, chỉ cần tử tế với nhau là đủ, tiền nong giàu sang với nghệ sĩ Trần Hạnh giờ chẳng còn ý nghĩa.
- Hơn 60 năm theo nghiệp diễn trải qua nhiều dạng vai nhưng cho tới giờ, ông vẫn ấn tượng nhất với vai nào?
Vai diễn nhớ nhất trong đời là vai sân khấu Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa, của Đoàn Kịch nói Hà Nội năm 1965. Vai diễn để lại ấn tượng tốt, đạo diễn khen, khán giả khen, người làm nghề quý.
Khán giả Hà Nội ngày ấy tuyệt vời lắm. Lúc ấy đất nước vẫn đang còn chiến tranh, nhưng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật rất lớn. Chúng tôi có những ngày diễn 3 buổi, sáng chiều tối, mệt lắm rồi, không thể làm nổi nhưng khán giả vẫn đến cổ vũ nhiệt tình. Đi các vùng nông thôn cũng được người dân chào đón, quý lắm.
Làm phim thì tôi nhớ nhất trong phim Người không may mắn, phim nhựa. Còn hàng trăm vai truyền hình, điện ảnh khác, tôi không nhớ hết.
Thời ấy nghèo nhưng các vở kịch, phim được làm tử tế lắm, như vở Lam Sơn tụ nghĩa, có cảnh Nguyễn Trãi ngâm thơ. Tôi có biết ngâm thơ đâu. Thế là phải mời các cô ở Đài phát thanh đến dạy. Các đạo diễn cũng tỉ mỉ nữa, nắn cho diễn viên từ cái tay, từng bước chân đi ra sân khấu.
- Người ta bảo, phi thương bất phú, từ lúc đang kinh doanh giầy, ông có nghĩ rằng nếu cứ bám trụ kinh doanh thì giờ mình “phú lắm rồi”?
Ôi! Kinh doanh ngày đó nghèo lắm, không có tiền đâu. Nên khi được ông Giám đốc sở Văn hóa Hà Nội lúc bấy giờ rủ đi diễn kịch, tôi đi luôn chẳng nghĩ gì. Miễn có tiền nuôi vợ con là được, chứ 30 tuổi một nách 3 đứa con không làm thêm thì sao mà sống.
Làm mãi cũng quen, được anh em quý, rồi anh em cứ bảo nhau ai có phim gì thì mời tôi đóng để tôi có tiền nuôi vợ con. Ngày trẻ, nhìn tôi cũng “khang trang” lắm chứ.
- “Khang trang” thế ông có được nhiều cô si mê không?
Không, si mê thì không, hoặc có người ta thuơng thầm nhớ trộm tôi cũng sao biết. Mà bà nhà tôi thì ghen lắm. Bạn diễn tên Kim Thanh, nhà trên Bưởi, cùng đóng trong vở Nguyễn Trãi. Chúng tôi đóng cảnh đi chung đò, đò thì chỉ là mảnh vải, hai người cùng cầm 1 mảnh vải thôi mà bà ghen. Bà lên tận rạp. May quá có bà cô tôi đi xem, can bảo "Mày về ngay, để nó đi làm kiếm tiền nuôi mẹ con mày". Thế mới thôi đấy, kinh lắm! (cười).
Nghệ sĩ mà, ai chả có vài lần bị vợ/chồng ghen như thế. Hiểu nhau rồi thì thôi.
- Hiện tại, ông còn trăn trở gì với nghề?
Tôi chỉ nhớ nghề thôi. Giờ mắt kém, chẳng xem được các cháu giờ diễn như nào, chỉ nghe thời sự xong là tôi lên giường đi ngủ. Tôi nhận mình là người may mắn, được anh em bạn bè quý mến, lại được phong danh hiệu NSND ở tuổi 91 nữa. Tôi chẳng còn gì trăn trở cả.
Cuộc sống của tôi bây giờ, có thể trông lên không bằng ai, nhưng tôi rất bằng lòng. Con cái hiếu thảo, nhất là con dâu chăm lo cho tôi chu đáo lắm. Tôi là người có phúc mới có cô con dâu như vậy. Cuộc sống, chỉ cần tử tế với nhau là đủ, tiền nong giàu sang với tôi giờ có quan trọng gì.
Tình Lê
Hôm nay : 415
Tháng này : 43899
Tổng truy cập : 80404146