"Vừa qua Đảng rất quyết liệt và thẳng thắn trong xử lý cán bộ, không có vùng cấm. Ai sai phạm cũng phải xem xét, kể cả người đã về hưu", ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ với Zing.vn.
Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2020), ông Phạm Thế Duyệt (nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội) chia sẻ với Zing.vn về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua.
Ông đặc biệt vui mừng và tin tưởng quyết tâm làm trong sạch Đảng dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
- Nhìn lại lịch sử 90 năm xây dựng, phát triển, Đảng ta đã có nhiều cuộc chỉnh đốn lớn. Theo ông, các đợt chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa thế nào?
- Trong 90 năm xây dựng, dù Đảng ta có những thắng lợi, kết quả lớn, bao giờ cũng vẫn quan tâm đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là việc cốt yếu để giữ được vai trò lãnh đạo, giữ uy tín với dân, tập hợp được sức mạnh, niềm tin của toàn dân tộc vào Đảng.
Đây cũng chính là tư tưởng của Bác Hồ. Trước đây Bác từng nói, đừng tưởng hôm nay Đảng ta vĩ đại mà ngày mai vẫn tiếp tục vĩ đại. Nếu không có sự rèn luyện, chỉnh đốn Đảng, không có cách xây dựng Đảng đúng mức thì động cơ, suy nghĩ của các cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao cũng dễ bị thoái hóa, rơi vào con đường chủ nghĩa cá nhân, sa vào con đường địa vị, danh vọng. Vì Đảng là tổ chức lãnh đạo duy nhất nên cứ dựa vào địa vị của Đảng thì rất dễ rơi vào con đường đó.
Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là hết sức quan trọng. Nếu không xây dựng, chỉnh đốn tốt, không thể hiện tính gương mẫu, tính tiền phong, đảng viên không thể hiện được cái tâm, cái tầm thì dân sẽ mất lòng tin. Mà mất lòng tin là mất tất cả. Tổng bí thư đã nói đây là sự thử thách của Đảng, của cả chế độ.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Sau khi đất nước giải phóng, nhận thức về lợi ích cá nhân trội lên. Vì vậy, Đại hội VI năm 1986 được gọi là "Đại hội đổi mới". Tôi nhớ rất rõ vì khi đó tôi là “người trong cuộc”, tham gia Ban chấp hành Trung ương từ khóa V.
Chủ trương đại hội khi ấy là phải đề phòng những biểu hiện tự diễn biến, đổi mới nhưng không đổi màu, biến chất. Đại hội cũng đề ra việc phòng 4 nguy cơ về quan liêu tham nhũng, diễn biến hòa bình, tụt hậu…
Khi đó, chúng tôi thấm thía lắm, luôn nghĩ làm thế nào cho xứng đáng nên hàng ngày, mỗi người luôn thể hiện bằng kiểm điểm trách nhiệm của mình.
Lúc giữ cương vị Bí thư Hà Nội, tôi rất lo lắng vì bấy giờ số lượng đảng viên phát triển giảm do khủng hoảng tư tưởng, mất lòng tin vào CNXH, thậm chí, có việc mất lòng tin ở Đảng. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn này đòi hỏi rất nghiêm túc, rất quan trọng để Đảng đảm bảo được vai trò gánh vác, lãnh đạo.
Thực tế, ta thường xuyên quan tâm, chỉnh đốn Đảng, nhưng cách thức thực hiện chưa tốt nên có lúc có nhiều đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, diễn biến tư tưởng, thiếu niềm tin, không nêu gương trước nhân dân…
- Trải nghiệm của ông về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời kỳ đó và bây giờ ra sao?
- Khi tôi là Thường trực Bộ Chính trị, tôi nhận thấy tình hình triển khai Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Hội nghị Trung ương 6 lần 2 rất nguy hiểm vì có nhiều biểu hiện suy thoái, nhất là về đạo đức, lối sống.
Lúc bấy giờ không nổi bật vấn đề suy thoái chính trị, nhưng suy thoái về đạo đức, lối sống, làm mất phương hướng, dẫn đến con đường suy thoái về tư tưởng, đạo đức chính trị. Hai vấn đề này có liên kết logic với nhau. Bởi một người lãnh đạo không tốt thì làm sao để có ý thức phấn đấu cho CNXH, lo cho người dân, lo cho giai cấp, đồng bào. Khi đó, họ chỉ nghĩ đến “vinh thân phì gia”, nghĩ đến gia đình mình, lợi lộc của con em, họ hàng mình…
Ông Phạm Thế Duyệt. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Chính vì vậy, tinh thần xây dựng, chỉnh đốn Đảng năm đó phát động rất quyết liệt. Tôi nhớ Trung ương triển khai hội nghị toàn quốc với tất cả bí thư, chủ tịch, các ủy viên Trung ương để quán triệt nghị quyết. Lúc ấy, tôi cũng hừng hực khí thế trong người với rất nhiều suy nghĩ, mong ước và quyết tâm để thực hiện nhiệm vụ này.
Tại hội nghị, tôi nhớ đã nói như một lời thề rằng nhất định phải làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành công như Nghị quyết đã đề ra. Ban đầu triển khai rất khí thế, ai cũng đồng tình. Đáng tiếc, khi thực hiện lại bị rơi vào trầm lắng, cho đến 2-3 khóa sau vẫn chưa thể thực hiện được tinh thần của nghị quyết.
Điều đáng mừng là từ hội nghị Trung ương 4 khóa XI cho đến Trung ương 4 khóa XII, Ban chấp hành Trung ương Đảng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này, thẳng thắn nhận định một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã rơi vào suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Trung ương sau đó cũng đã nêu được cụ thể 27 biểu hiện suy thoái.
- Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa qua thể hiện rõ nét qua việc kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao có sai phạm. Ông đánh giá thế nào về quyết tâm làm trong sạch Đảng trong giai đoạn hiện nay?
- Chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu những vấn đề mà tôi rất tâm đắc. Trước hết là chủ trương không để người có mưu lợi cá nhân lọt vào ban chấp hành Trung ương khóa mới, những người không vì lợi ích của Đảng phải đứng dẹp qua một bên.
Tôi đánh giá vừa qua Đảng đã làm rất quyết liệt. Bởi trong Đảng, một bộ phận không nhỏ đã suy thoái. Chúng ta không nên suy diễn một chiều nhưng phải xem xét rõ ai là người lợi dụng chức quyền, ai là người suy thoái? Phải chăng đó là những cán bộ, đảng viên có trách nhiệm, giữ những vị trí quan trọng từ Trung ương xuống cơ sở?
Nếu “bộ phận không nhỏ” suy thoái mà lại rơi vào bộ phận nhỏ ở trên cùng - là phần không thể đông được, thì nguy quá. Chúng ta phải thấy cái nguy đó, và thấy rằng, phải có một Bộ Chính trị mạnh, nếu không Ban chấp hành Trung ương tê liệt và ở bên dưới cũng sẽ như vậy.
Nếu cán bộ bên trên đi vào con đường tham nhũng, kiếm chác, vì lợi lộc thì ở dưới, tiêu cực, tham nhũng sẽ có điều kiện ghê gớm để phát triển.
Nói như vậy để thấy rằng trong nhiệm kỳ khóa XI, XII và chuẩn bị Đại hội khóa XIII, Trung ương quan tâm việc này là rất xác đáng. Những quyết sách của Trung ương đang đi vào cuộc sống, thể hiện ở bề nổi là thấy tham nhũng dường như đỡ phức tạp hơn. Tất nhiên, nhìn vào từng cơ quan, lối sống và quan hệ của từng cán bộ xem đã trong sạch chưa… thì tôi chưa đủ cơ sở để giá. Tôi chỉ cho rằng nên hết sức thận trọng, đừng chủ quan.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Đừng nghĩ rằng chúng ta đã có quyết tâm cao, đã xử lý hàng loạt cán bộ đảng viên, hơn 80 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý mà cho đó là thành công để yên tâm, đừng nghĩ đơn giản như vậy.
Tôi ghi nhận vừa qua Đảng rất quyết liệt và thẳng thắn trong vấn đề xử lý cán bộ, không có vùng cấm. Ai sai phạm cũng phải xem xét, kể cả người đã về hưu. Nhiều người vui trước việc này, nhưng không ít người lo lắng, hoang mang khi thấy hàng loạt cán bộ cấp cao sai phạm.
Còn tôi không hoang mang, vì như Bác dặn, chúng ta không bao giờ được hoang mang, dao động.
Song từ đó, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là Đảng cũng có những lần thất bại trong công tác cán bộ, chọn nhầm người. Buồn vì có những việc như thế, nhưng theo tôi, xử nghiêm là đúng. Vì nếu có sâu có bệnh mà không lôi ra xử lý triệt để thì sẽ hỏng.
Xử lý cán bộ, lại là cán bộ cấp cao xót xa lắm, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận đấy là một thắng lợi, là kết quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Bởi tham nhũng, tham ô mà không xử sẽ gây mất lòng tin.
- Lựa chọn cán bộ là khâu cốt lõi để nâng cao hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng.Trong bối cảnh Đại hội XIII đang đến gần, ông muốn góp ý gì cho công tác này?
- Chọn cán bộ đừng tư duy theo kiểu “tuần tự nhi tiến”, “sống lâu lên lão làng”, mà phải nhìn vào hành động, nhìn vào cuộc sống để đánh giá con người. Giờ nhìn ra cả xã hội thấy nhiều người ráo riết chạy chức, chạy quyền. Tôi cho rằng phải ngăn chặn được việc đó để tìm được người tài thực sự.
Chúng ta không thiếu người làm, không thiếu nhân tài. Nhưng vấn đề là làm thế nào để phát hiện, chọn được người đủ đức đủ tài, đủ tâm huyết phụng sự nhân dân.
Trong Đảng, trong Ban chấp hành Trung ương có rất nhiều đồng chí kinh qua nhiều công việc, thử thách mà không điều tiếng gì, phân công công việc đến đâu cũng làm được… Với những người đó đừng để mất, đừng dùng thứ tự rườm rà để ràng buộc.
Như tôi trước đây, khóa V là ủy viên Trung ương dự khuyết nhưng khóa VI đã vào Ban Bí thư rồi. Các ủy viên chính thức khi đó đều hơn tôi đến 20 tuổi cả, người trẻ nhất cũng hơn tôi 8 tuổi.
Nói thế để thấy vấn đề là cách làm, cách tư duy. Trong hàng trăm người được quy hoạch vào Trung ương, ai cũng quan trọng, phải coi đó là nguồn cán bộ chủ yếu nhưng cũng nên lắng nghe ý kiến của Đại hội, lắng nghe ý kiến của các địa phương trong việc tìm kiếm, lựa chọn người tài.
Cán bộ, đảng viên hầu hết là những người có trình độ, nhưng mặt khác, ngay trong quần chúng cũng còn có nhiều người tốt, người tài.
Trước đây, Bác Hồ sử dụng hàng loạt cán bộ chưa phải là đảng viên, tiêu biểu như cụ Nguyễn Văn Huyên với 29 năm làm Bộ trưởng Giáo dục. Nói vậy để thấy không phải chỉ trong Đảng mới có người tài, người đức độ, còn bên ngoài không có ai.
Hôm nay : 1420
Tháng này : 24582
Tổng truy cập : 97861410