GDP quý 2 năm nay ước chỉ tăng khoảng 2% so với quý 2 năm 2019, chỉ số VNindex giảm 28%, xuất khẩu giảm khoảng 25%, số doanh nghiệp phá sản tăng nhanh. Từ quý 3 năm nay, nếu dịch bệnh được khống chế, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi.
Lắp ráp điện tử là lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 - Ảnh: N.Q.P
Kinh tế sẽ phục hồi trong quý 3
ĐH Kinh tế quốc dân vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách ứng phó.
Căn cứ số lượng ca nhiễm, số lượng người phải cách ly ở Việt Nam đến ngày 27-3, nhóm nghiên cứu của ĐH Kinh tế quốc dân đã sử dụng 3 mô hình định lượng, đưa ra 3 kịch bản diễn biến dịch COVID-19 thời gian tới.
Đó là đại dịch COVID-19 kéo dài đến cuối tháng 4-2020, đến cuối tháng 5-2020 và đến cuối tháng 6-2020. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá sự thay đổi của tâm dịch từ phía Trung Quốc sang các nước châu Âu, Mỹ sẽ tác động lớn hơn đối với kinh tế Việt Nam.
Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly, nhóm nghiên cứu dự báo GDP quý 2 năm nay chỉ tăng được khoảng 2% so với quý 2 năm 2019, chỉ số VnIndex giảm khoảng 28%, xuất khẩu giảm khoảng 25%. Từ quý 3 năm nay, nếu dịch bệnh được khống chế, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng dự báo tác động của dịch COVID-19 đến một số lĩnh vực của nền kinh tế. Theo kịch bản dịch kết thúc vào cuối tháng 4-2020, các lĩnh vực thương mại hàng hóa suy giảm 20-30%; dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng trên 25%; du lịch, khách sạn suy giảm 15-20% khách nội địa và quốc tế, giảm doanh thu 20%, việc làm giảm 15-20%; nông nghiệp suy giảm 2,8-27,4% theo từng mặt hàng; bất động sản suy giảm mảng cho thuê, nghỉ dưỡng.
Với kịch bản dịch kết thúc vào cuối tháng 6-2020, thương mại hàng hóa suy giảm 30-40%; dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng 25-40%; dịch vụ vận tải, logistics suy giảm 20-30%; ngành du lịch dịch vụ khách sạn giảm 30-40% khách nội địa và quốc tế, doanh thu giảm 40%, việc làm giảm 30-40%; nông nghiệp, bất động sản cùng suy giảm.
Nhiều doanh nghiệp dệt may bị các đối tác Mỹ, châu Âu cắt đơn hàng - Ảnh: N.Q.P
39,3% doanh nghiệp phá sản nếu dịch kéo dài hết năm
Kết quả khảo sát ý kiến 510 doanh nghiệp (DN) của nhóm nghiên cứu ghi nhận đến cuối tháng 3-2020, có khoảng 65,5% DN thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên, 35,3% DN phải cắt giảm lao động, 34% DN phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% DN đã phải cho lao động nghỉ việc không lương.
Đồng thời, 44,7% DN cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, 34,7% DN lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% DN thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận đến nay các DN đã có nhiều hành động nhằm đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19, nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và kéo dài, nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, trường hợp dịch COVID-19 kéo dài đến hết tháng 4-2020, có 49,2% DN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất, có 18,1% phải tạm dừng hoạt động và 0,8% có khả năng phá sản.
Nhưng nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6-2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ còn 14,9% DN duy trì được hoạt động, 46,6% DN tiếp tục cắt giảm quy mô, 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% DN đứng trên bờ vực phá sản.
Trường hợp dịch kéo dài đến hết tháng 9-2020, sẽ có 19,3% DN phá sản, kéo dài đến hết năm 2020 khoảng 39,3% DN sẽ phá sản.
Các DN kỳ vọng Chính phủ tập trung nhiều giải pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện giảm thuế, miễn thuế, chi phí thuê mặt bằng thay vì chỉ là giãn, tạm hoãn. Nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ đã ban hành và có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, ngừng các hoạt động thanh tra kiểm tra trong thời gian này, ổn định lạm phát.
Hôm nay : 200
Tháng này : 8172
Tổng truy cập : 93349304