Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc với xe máy năm 2019 là 929 tỷ và số chi bồi thường là 50 tỷ, chưa bao gồm dự phòng.
Thông tin trên được ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chia sẻ ngày 22/5.
Cụ thể, ông Khánh cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham gia loại hình bảo hiểm này đến nay đã đạt 110,3 triệu lượt. Trong đó, số lượt xe máy tham gia vào khoảng 93,5 triệu.
Ngành bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, với mức bồi thường trung bình 9 triệu đồng/vụ. Trong đó, có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.
Chia sẻ về số doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc với xe cơ giới năm 2019 vừa qua, ông Khánh cho biết, theo số liệu từ các doanh nghiệp gửi về và thống kê sơ bộ của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới năm vừa qua đạt khoảng 3.600 tỷ. Trong đó, riêng xe máy đạt 829 tỷ.
Ở chiều ngược lại, số chi bồi thường cho các phương tiện là 841 tỷ đồng và riêng xe máy là khoảng 50 tỷ đồng. Các số liệu này chưa tính tới dự phòng phải bồi thường.
Với doanh số và chi bồi thường nói trên, ước tính tỷ lệ bồi thường/tổng doanh phí bảo hiểm xe máy bắt buộc năm vừa qua chỉ đạt hơn 6%.
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xe máy bắt buộc hiện nay chỉ khoảng 30%. Ảnh: Hải Nam. |
Vị Cục trưởng cũng thừa nhận việc bồi thường bảo hiểm xe cơ giới chủ yếu gặp khó với xe máy. Trong đó, hồ sơ bồi thường đối với bảo hiểm xe máy có thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người mua bảo hiểm nên tỷ lệ tham gia chưa cao.
Hiện tại, dù đã triển khai được 10 năm nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc của xe máy vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 30% trong tổng số gần 60 triệu xe máy. Trong khi tỷ lệ tham gia của phương tiện ôtô lên đến 90% trên tổng số trên 3 triệu xe.
Để khắc phục tình trạng này, ông Khánh cho biết Bộ Tài chính sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 103 và Thông tư 22 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo hướng giảm thủ tục cho chủ xe, lái xe và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Vị này cũng cho biết vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức, triển khai thực hiện loại hình bảo hiểm này.
Trong đó, mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra.
Ngoài ra, phí bảo hiểm dù được quy định trên cơ sở rủi ro liên quan đến phương tiện nhưng chưa căn cứ vào rủi ro liên quan chủ xe, lái xe (lịch sử tai nạn, vi phạm giao thông). Do đó, chưa phát huy tối đa vai trò công cụ kinh tế trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Hôm nay : 524
Tháng này : 41350
Tổng truy cập : 100778173