Ngày 13/8, các đường phố quanh Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris (Pháp) đã tạm thời đóng cửa để các công nhân bắt đầu triển khai các biện pháp xử lý nguy cơ ô nhiễm chì sau vụ hỏa hoạn tại công trình kiến trúc nổi tiếng này hồi tháng 4 vừa qua.
Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp, bị phá hủy một phần sau vụ hỏa hoạn, ngày 16/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, khoảng 300 tấn chì từ phần mái và tháp chuông đã bị tan chảy, gây ra lượng bụi chì lớn trong không khí, đe dọa sức khỏe của cư dân sống gần khu vực, đặc biệt là trẻ em.
Giới chức y tế Pháp cho hay nồng độ chì tại một số điểm ở bên trong khu vực hiện trường vụ cháy, trong đất tại công viên lân cận và khu vực phía trước nhà thờ ở mức cao bất thường. Những khu vực này đã phải đóng cửa không cho người dân tiếp cận kể từ ngày 15/4.
Hồi cuối tháng 7, hai trường học ở khu vực lân cận cũng đã phải đóng cửa sau khi một lượng phân tử chì được phát hiện tại đây.
Giới chức địa phương cho biết, trong ngày 8/8 vừa qua, các công nhân đã tiến hành phun một chất keo đặc biệt vào các khu vui chơi tại hai trường học trên. Chất keo này khi khô có tác dụng hút các phân tử chì và sau đó sẽ được tẩy trừ.
Biện pháp như trên sẽ được áp dụng tại khu vực quanh nhà thờ. Giới chức địa phương cho biết công tác dọn dẹp hiện trường vụ cháy sẽ được nối lại khi lượng chì độc hại đã được loại bỏ hoàn toàn.
Ngày 5/8 vừa qua, chính quyền Paris đã công bố kết quả các xét nghiệm mới tại các trường học và nhà trẻ xung quanh Nhà thờ Đức Bà, cho thấy chưa đến 70 mg chì trên mỗi m2 - ngưỡng được coi là an toàn. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy tại một số trường học và nhà trẻ ngoài khu vực di tích lịch sử hơn 850 tuổi này vẫn có 1.000 mg chì trên mỗi m2 ở những nơi như sân chơi và bậu cửa sổ.
Ô nhiễm chì có thể gây ra dị tật thần kinh ở con người, đặc biệt là đối với trẻ em, cũng như nhiều tác động tiêu cực đối với hệ thần kinh và thận.
Phương Oanh (TTXVN)
Hôm nay : 1040
Tháng này : 26316
Tổng truy cập : 97988385