Doanh thu và lợi nhuận của Sabeco rơi xuống mức thấp nhất từ năm 2016 trước ảnh hưởng từ quy định cấm lái xe sau khi uống rượu, bia và dịch bệnh Covid-19.
Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính quý I. Không ngoài dự đoán của giới phân tích, Sabeco trải qua một quý kinh doanh ảm đạm nhất trong nhiều năm qua trước cú sốc kép Nghị định 100 và dịch bệnh Covid-19.
3tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sabeco là 4.900 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ 2019. Đây là mức doanh thu theo quý thấp nhất của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn từ năm 2016 đến nay.
tỷ đồngDoanh thu Sabeco lao dốc về mức thấp nhất từ 2016Doanh thu thuần theo quý của Sabeco trong 4 năm quaDoanh thu thuầnI/2016IIIIIIVI/2017IIIIIIVI/2018IIIIIIVI/2019IIIIIIVI/20204k6k8k10k12k
Nhờ cải thiện tỷ suất lãi gộp từ 23% lên 28% nên lợi nhuận gộp của Sabeco có mức giảm thấp hơn doanh thu, đạt 1.350 tỷ đồng trong kỳ vừa qua.
Ngoài doanh thu thuần, doanh nghiệp có khoản thu 270 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng mạnh 56% so với quý I/2019, chủ yếu từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Phần lãi trong các công ty liên doanh, liên kết của Sabeco mà đa số là những doanh nghiệp trong lĩnh vực bia, rượu cũng giảm mạnh 46% còn 41 tỷ đồng.
Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng không mong đợi của đại dịch Covid-19, ban lãnh đạo Sabeco cho biết đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để bù đắp.
Tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Sabeco trong quý I giảm gần 20%. Các khoản chi phí được công ty cắt giảm mạnh nhất là quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ; bao bì, luân chuyển; nhân công.
Sau khi hạch toán chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của Sabeco trong quý I còn 717 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam giảm 44%. Trong 4 năm gần nhất, đây là mức lãi thấp nhất của chủ thương hiệu Bia Sài Gòn.
Do lợi nhuận sụt giảm mạnh, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Sabeco trong kỳ âm gần 1.100 tỷ đồng khi công ty phải tăng chi cho các khoản phải trả. Những kỳ kế toán trước, dòng tiền kinh doanh của công ty luôn dương.
Đồ họa: Việt Đức |
Trong thông điệp mới đây, Tổng giám đốc Sabeco Bennett Neo thừa nhận sau năm 2019 thành công, công ty đã khởi đầu năm 2020 trong hoàn cảnh thật sự khó khăn.
Nghị định 100 có hiệu lực từ đầu năm với mức xử phạt nặng hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn tác động tất cả doanh nghiệp kinh doanh bia, rượu và những ngành liên quan.
Sau đó, lĩnh vực bia, rượu tiếp tục hứng chịu cú sốc khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Các quán bar, pub, beerclub, vũ trường ở nhiều tỉnh thành phải đóng cửa. Những sự kiện tụ tập đông người như hội nghị, tiệc tùng không được tổ chức. Người tiêu dùng ở nhà, hạn chế ra ngoài.
“Đay là giai đoạn khó khăn, thử thách nhất trong lịch sử của Sabeco. Chúng ta đã lường trước và sẵn sàng chấp nhận hy sinh trong ngắn hạn để đảm bảo tương lai”, ông Bennett Neo chia sẻ.
Theo CEO Sabeco, trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp tập trung vào việc quản lý chặt chẽ chi phí. Chủ trương của Sabeco là không cắt giảm các chi phí thiết yếu nhưng chi tiêu khôn ngoan hơn và loại bỏ hoặc hoãn các khoản chi không thật sự cần thiết. Công ty cũng tập trung cho cơ hội lấy thêm thị phần khi doanh số sụt giảm.
“Chúng ta có truyền thống lịch sử, nguồn lực và ý chí để trụ vững qua cơn bão này. Cơn bão nào rồi cũng qua đi và mặt trời sẽ ló dạng. Chúng ta đang chuẩn bị sẵn sàng để trở lại ngay khi nắng đẹp lại lên”, ông Bennett Neo tự tin nói với nhân viên.
Theo kịch bản dự báo của bộ phận nghiên cứu thuộc công ty chứng khoán SSI, sản lượng tiêu thụ bia của Sabeo có thể sụt giảm 12-20% trong năm nay tương ứng với kịch bản dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát, kết thúc vào giữa, cuối và sau quý II.
Nguồn: SSI Research. Đồ họa: Việt Đức. |
Với ba kịch bản giảm sản lượng tiêu thụ, doanh thu thuần của Sabeco có thể giảm lần lượt 12%, 14% và 19%. Lợi nhuận ròng theo đó cũng giảm tương ứng 8%, 10% và 18%. Các giả định này dựa trên yếu tố người tiêu dùng dần thích nghi với quy định cấm lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
“Trong dài hạn, dù với kịch bản nào, chúng tôi cho rằng tiêu thụ bia sẽ phục hồi trở lại tốc độ tăng trưởng bình thường khi người tiêu dùng hồi phục niềm tin sau khi dịch bệnh kết thúc và thay đổi thói quen để thích nghi với quy định mới”, chuyên gia của SSI bình luận.
Hôm nay : 0
Tháng này : 29654
Tổng truy cập : 87881390