Trước tình hình chủng virus corona mới khiến hàng chục người ở Trung Quốc mắc viêm phổi, Bộ Y tế đã ban hành công văn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị căn bệnh này.
Ngày 17/1, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ký công văn hướng dẫn triệu chứng và điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết corona là loại virus lớn gây bệnh cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng người bệnh như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012.
Tháng 12/2019, chủng virus corona mới (nCoV) gây viêm phổi tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã được xác định và nguy cơ lan rộng. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
Theo Bộ Y tế, các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona mới bao gồm:
Thứ nhất, người bị sốt và viêm phổi, viêm phổi kẽ hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả trường hợp có chỉ định lâm sàng xét nghiệm viêm phổi cộng đồng.
Nguy cơ mắc viêm phổi lạ còn có thể xảy ra ở người bệnh sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng.
Người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới.
Trẻ em đeo khẩu trang đến trường trong vùng nghi ngờ dịch bệnh. Ảnh: The New York Times. |
Thứ hai, người bệnh có dấu hiệu sốt và có các triệu chứng bệnh lý hô hấp (ho, khó thở...) và có mặt tại các cơ sở y tế ở các vùng dịch tễ đã xác định có các ca mắc bệnh do virus corona mới liên quan chăm sóc y tế. Người tiếp xúc vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.
Thứ ba, người bị sốt hoặc có các triệu chứng hô hấp và khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc bệnh do nCoV.
Một số trường hợp khác có thể mắc bệnh thông qua bằng chứng dịch tễ và lâm sàng, bao gồm người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm bao gồm những người chăm sóc bệnh nhân (nhân viên y tế, gia đình, người thăm bệnh).
Người bệnh có các biểu hiện lâm sàng, X-quang hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh phù hợp với các triệu chứng của bệnh viêm phổi lạ.
Bộ Y tế cho biết viêm phổi do nCoV gây ra được chẩn đoán bằng kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp.
Các trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc virus corona cần phải báo cáo lên Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại địa phương.
Các ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể mắc bệnh đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán, xác định bệnh. Ngoài ra, người mắc bệnh hoặc nghi ngờ cần nhập viện theo dõi, cách ly hoàn toàn.
Bộ Y tế cho biết do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên các cơ sở y tế chỉ điều trị triệu chứng, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác.
Chợ hải sản Huanan, Trung Quốc - nơi đầu tiên bùng phát bệnh đã được cách ly hoàn toàn. Ảnh: SCMP |
Người bệnh chỉ được xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn như sau: hết sốt ít nhất 3 ngày; mạch, huyết áp, nhịp thở… trở về bình thường; X-quang phổi cải thiện, chức năng thận trở về bình thường.
Sau xuất viện, người bệnh phải tự theo dõi nhiệt độ 12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C hoặc có dấu hiệu bất thường phải đến khám lại ngay nơi đã điều trị.
Để phòng chống lây nhiễm ngoài cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch chứa cồn. Che mũi, miệng khi ho và hắt hơi, vứt khăn giấy lau mũi, miệng và thùng có nấp đậy.
Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ. Không hút thuốc lá. Vệ sinh môi trường sống, tránh tiếp xúc nơi tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, động vật hoang dã và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Đối cơ sở y tế, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm việc phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân. Thực hiện tốt biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, tổ chức khu vực cách ly, phòng ngừa cho người bệnh và khách đến thăm.
Hôm nay : 6957
Tháng này : 50464
Tổng truy cập : 80615937