Hiện, nhiều đối tác nước ngoài đã khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, tạo cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ trên địa bàn Hà Tĩnh.
Thị trường ổn định, doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ Hà Tĩnh nhiều khởi sắc.
2020 là một năm khó khăn đối với Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt – Nhật (Khu kinh tế Vũng Áng) khi đối tác Nhật Bản giảm khối lượng hàng hóa nhập do tác động xấu của đại dịch Covid-19.
Ông Huỳnh Minh Đức – Phó Tổng Giám đốc công ty nhớ lại: “Quý I/2020, đơn vị chỉ xuất được 2 tàu, tương đương khoảng 70.000 tấn dăm gỗ. Sau đó, Nhật Bản ngừng đơn hàng, mãi đến thời điểm cuối năm doanh nghiệp mới tiêu thụ trở lại được 2 tàu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 lại nay, dịch bệnh Covid-19 đã dần được khống chế, các doanh nghiệp Nhật Bản khôi phục hoạt động nên tình hình sản xuất, kinh doanh của chúng tôi có nhiều khởi sắc. Theo đó, quý I/2021, doanh nghiệp đã xuất 2 tàu hàng với khối lượng 90.000 tấn dăm gỗ, trị giá 4,5 triệu USD. Mục tiêu chúng tôi đặt ra năm 2021 sẽ xuất 8 tàu, khối lượng khoảng 300.000 tấn, trị giá khoảng 19 triệu USD (năm 2020 doanh thu xuất khẩu Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt – Nhật đạt gần 10 triệu USD -PV)".
Được biết, 100% dăm gỗ của Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt – Nhật được xuất sang thị trường Nhật Bản. Để có đủ nguồn hàng cung cấp cho đối tác, ngoài mua nguyên liệu gỗ tại Hà Tĩnh để phục vụ dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp này còn tiến hành thu mua dăm gỗ từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Từ đầu năm lại nay, Công ty Trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha xuất khẩu 30.000 tấn, doanh thu đạt 81 tỷ đồng.
Thời điểm này, công nhân Công ty Trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha (xã Kỳ Lợi – TX Kỳ Anh) cũng đang tập trung hoàn thành khối lượng dăm gỗ để xuất đi Trung Quốc và Nhật Bản theo hợp đồng đã ký kết. Theo phản ánh, 95% nguồn nguyên liệu (keo, tràm, bạch đàn) phục vụ sản xuất được doanh nghiệp thu mua ngay tại các địa phương của Hà Tĩnh nên thuận lợi trong khai thác và vận chuyển.
Anh Lê Hữu Sơn – Trưởng phòng Kế toán, Công ty trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha thông tin: “Nếu như 2020, tình hình sản xuất, kinh doanh ảm đạm thì năm nay doanh nghiệp đã đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu. Từ đầu năm lại nay, chúng tôi đã sản xuất 29.000 tấn dăm gỗ, xuất khẩu 30.000 tấn, doanh thu đạt 81 tỷ đồng (tăng 28 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020). Năm 2021, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu 100.000 tấn dăm gỗ, doanh thu đạt 12,2 triệu USD".
Công nhân Công ty Trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha xẻ gỗ phục vụ dây chuyền sản xuất.
Tình hình sản xuất, kinh doanh khởi sắc trở lại sau một thời gian ngưng trệ do dịch bệnh Covid-19 đã tạo khí thế hăng say cho người lao động.
Bác Nguyễn Tiến Lành - công nhân Công ty Trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha phấn khởi: “Khác với giai đoạn trước, năm nay, doanh nghiệp kinh doanh triển vọng, đồng nghĩa anh em công nhân có nhiều việc làm hơn. Đồng lương mỗi tháng ổn định (từ 5 - 7 triệu đồng/người) giúp chúng tôi dễ dàng trang trải cuộc sống”.
Tàu vào “ăn hàng” dăm gỗ tại cảng Vũng Áng (Ảnh: Phan Trâm).
Bức tranh xuất khẩu có nhiều khởi sắc là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp dăm gỗ trên địa bàn. Dăm gỗ ở Hà Tĩnh chủ yếu đi thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.
Ông Cao Đức Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Vũng Áng cho biết: “Hiện có 6 doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ qua cảng Vũng Áng. Quý I năm 2021, có 15 lượt tàu xuất khẩu gỗ qua cảng Vũng Áng với 176.446 tấn hàng, nộp ngân sách Nhà nước 9,7 tỷ đồng. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Vũng Áng thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu, đảm bảo thông quan hàng hóa”.
Hôm nay : 1723
Tháng này : 7779
Tổng truy cập : 92901969