Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá...
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ
Ảnh: Gia Hân
Một trong những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra hôm qua (3.3) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thảo luận các chính sách hỗ trợ nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra ngay sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo Chính phủ nhận định đã xuất hiện nhiều dấu hiệu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm sáng, đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; giá nhiều nhóm mặt hàng ổn định, hoặc giảm; chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm 0,17% so với tháng trước. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng khi ước đạt 36,9 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%. Nhập siêu trong kiểm soát. Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát.
Chúng ta phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện, khắc phục mọi khó khăn, có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ, của các cấp, các ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo niềm tin vào thời kỳ mới và đồng thời chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phát triển thời gian tới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%. Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ; với trên 17.400 DN thành lập mới, số vốn đăng ký gần 364.000 tỉ đồng (tăng 9,1% về số DN và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Có gần 12.000 DN trở lại hoạt động (tăng 17,1%); số DN rút lui giảm trên 28.000 DN.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%). Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả, thời tiết. Dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19; đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nội dung được thảo luận chính tại cuộc họp là cho ý kiến dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Chỉ thị sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp về vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; cắt giảm chi phí cho DN; bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển ngành du lịch; thúc đẩy đầu tư, giải ngân; rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch.
Trong đó, có một số giải pháp cần khẩn trương thực hiện như: cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn; áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu việc hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do dịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không phải là bao cấp cho sự yếu kém, trong đó có hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ về chính sách tài khóa. “Các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến DN và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin - cho, thiếu minh bạch”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhất là cung ứng tín dụng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, không để thiếu vốn tín dụng.
Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành rà soát, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội. Thủ tướng cũng nêu rõ ổn định vĩ mô vẫn là then chốt, không để vì các lý do khác làm ảnh hưởng đến mục tiêu này. Chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế. Thủ tướng khẳng định tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thời gian tới là “cần hết sức thận trọng nhưng cũng không bi quan”. Trên cơ sở xác định rõ phân tích, đánh giá kỹ tình hình, xem xét những yếu tố tác động, ảnh hưởng để có giải pháp, đối sách cụ thể, phù hợp, kịp thời trong các lĩnh vực.
“Chúng ta phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện, khắc phục mọi khó khăn, có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ, của các cấp, các ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo niềm tin vào thời kỳ mới và đồng thời chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phát triển thời gian tới. Phải biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng và chúng ta hiểu rằng như một cái lò xo bị nén, cần chuẩn bị tốt để bật ra mạnh mẽ trong thời gian tới”, Thủ tướng nói.
Hôm nay : 251
Tháng này : 17383
Tổng truy cập : 70052670