Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có những yếu tố khó lường, đòi hỏi con người phải sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh được rủi ro, có các giải pháp linh hoạt, thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chưa dự báo được.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra nhận xét này tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0”, sáng 3/10.
Phiên họp tập trung giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về chiến lược quốc gia cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, về chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số.
Phó Thủ tướng cho rằng các ý kiến trao đổi tại phiên họp rất toàn diện, tập trung vào những kế hoạch, hành động cụ thể để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành nghị quyết về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã bắt đầu từ trước đó.
Tại Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu tập trung đồng bộ nhiều giải pháp từ thể chế, hạ tầng đến nhân lực, khoa học, công nghệ để phát triển nền kinh tế số, nền sản xuất thông minh với tầm nhìn chiến lược nhưng hành động cụ thể, rất khẩn trương. Trong cuộc CMCN 4.0 vai trò chủ đạo và tiên phong là của doanh nghiệp. Chúng ta cần chủ động ứng phó với những mặt tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, trong đó lưu ý cơ chế quản lý rủi ro.
Phó Thủ tướng điểm lại “từ Diễn đàn năm ngoái đến năm nay, chúng ta đã có hành động, đi đúng hướng và đạt được những kết quả tích cực. Một số chỉ số liên quan trực tiếp đến chủ đề Diễn đàn năm nay như chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tăng 3 bậc, từ 45 lên 42. Chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm vừa qua tăng 15 bậc lên thứ 59. Thanh toán điện tử tăng 19,6% số lượng giao dịch, 26,6% giá trị, đặc biệt thanh toán qua di động tăng 104% số giao dịch và 155% giá trị.
Chỉ số an toàn an ninh thông tin của Việt Nam tăng 50 bậc từ 100 lên 50. Giáo dục phổ thông xếp thứ 38. Việt Nam có 2 trường đại học vào tốp 1000 trường đại học hàng đầu thế giới. Nhiều trường đại học quy mô lớn, do tư nhân đầu tư phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu tư nhân được thành lập. Nhiều địa phương đã có những bước tiến lớn trong xây dựng đô thị thông minh”.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng khẳng định phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Nghị quyết 02 tích hợp các tiêu chí đánh giá, bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, rất phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Các bộ ngành, địa phương, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, thiết thực hơn.
Đề cập đến yếu tố khó lường của cuộc CMCN 4.0, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của con người để sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh được rủi ro, có các giải pháp linh hoạt thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chưa dự báo được.
Ngay trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo chuẩn bị cho CMCN 4.0, chúng ta không chỉ đưa các môn học liên quan nhiều đến khoa học, công nghệ mà cần bắt đầu từ những điểm căn bản nhất, thậm chí tưởng rằng không liên quan đến CMCN 4.0, đó là giáo dục cho người dân ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
“Nếu chúng ta không quyết liệt thì tỷ lệ tái mù chữ, trẻ em bỏ học, người lớn không được đào tạo căn bản về nghề nghiệp ở khu vực miền núi sẽ ngày càng tăng. Đây là điểm phải được nhận diện và giải quyết. Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học nhằm xây dựng môi trường nghiên cứu, học thuật, sáng tạo để đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn là nơi sáng tạo ra tri thức mới. Qua đó, đóng góp mạnh mẽ, hiệu quả vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
“Một đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 là kết nối, hợp tác. Vì vậy phải tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau; giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân; giữa người dân với nhau; giữa trong nước với ngoài nước. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. Chúng ta không chỉ giải quyết những ‘bài toán’ của riêng mình mà còn có trách nhiệm trước những vấn đề chung của thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Đình Nam
Hôm nay : 784
Tháng này : 9796
Tổng truy cập : 93878605