Thủ tướng lưu ý các giải pháp giảm lãi suất, hỗ trợ vốn, trong đó tiếp tục nghiên cứu cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động
Không để nền kinh tế “đổ gục” vì COVID-19
Chiều 27/3, phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị trực tuyến “4 trong 1” giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước mắt là trong nửa tháng tới và có thể kéo dài, Việt Nam phải tập trung mọi sức lực, mọi biện pháp để chống dịch, coi đó là nhiệm vụ số 1.
Về kinh tế, xã hội, Thủ tướng cho rằng, với độ mở nền kinh tế lớn, nước ta cũng bị tác động mạnh do dịch. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều rất khó khăn. Khó khăn nữa là hạn hán, mặn xâm nhập, dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, giá dầu thế giới đang giảm, chỉ còn 21 USD/thùng, trong khi dự toán ngân sách Nhà nước năm nay là 60USD/thùng. Do đó phải vực dậy nền sản xuất trong nước để giải quyết việc làm, tăng trưởng, không để đổ gục trước tình hình hết sức phức tạp và khó khăn hiện nay.
Theo Thủ tướng, ngày 31/3, tới đây Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc để bàn 4 nội dung lớn gồm: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.
“Chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách”, Thủ tướng nói và cho rằng cần có biện pháp chủ động để ngay sau khi dịch kết thúc bắt tay ngay vào thực hiện thì mới vực dậy được nền kinh tế. “Những thị trường lớn có liên quan đến Việt Nam đã phục hồi mà chúng ta không chuẩn bị tâm thế thì chúng ta sẽ thất bại”, Thủ tướng cảnh báo.
Nâng cao các gói hỗ trợ
Về giải pháp Thủ tướng cho rằng phải nâng gói hỗ trợ cao hơn, chứ như hiện nay là còn quá ít. Phải làm sao nhân dịp này tái cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo…
Thủ tướng nêu rõ cần giải ngân hết số vốn còn lại trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020, gần 700.000 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ USD), làm quyết liệt các dự án trọng điểm, có chế tài xử lý nghiêm minh.
Đối với chính sách tài khoá, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát gói hỗ trợ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác, tăng chi chống dịch, cắt giảm chi thường xuyên, tính toán tăng bội chi do giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước…
Thống nhất định hướng các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện và đề xuất thời gian tới, Thủ tướng lưu ý các giải pháp hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, trong đó tiếp tục nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động…
Đối với gói hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền. Về vấn đề cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cụ thể “kích cầu mạnh mẽ”. Bộ Công an tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo, các giải pháp, tình huống có thể xảy ra.
Hôm nay : 0
Tháng này : 44971
Tổng truy cập : 90691071