"Đau theo kiểu bắt tù ông này, kiểm điểm ông kia thì chưa đủ. Có tác dụng răn đe đấy, nhưng tác dụng thay đổi cơ chế yếu lắm", PGS.TS. Trần Đình Thiên.
Là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông Thiên nói: “Mình cứ nói là tăng trưởng 7 - 8% là oách, nhưng theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng cao hơn nếu những cơ chế này được giải tỏa” và “phải chịu đau đớn để cắt bỏ, không còn là chuyện bỏ tù, kỷ luật nữa mà phải đánh thẳng vào cơ chế, không có con đường nào khác cả”.
Nhà báo Hoàng Anh: Thưa ông, lâu nay chúng ta vẫn ví von rằng ngân sách như một chiếc bánh, và vấn đề tồn tại cơ chế xin cho trong việc phân bổ ngân sách đã tạo ra những kẽ hở, những nguy cơ thất thoát, tiêu cực… Với tư cách là chuyên gia kinh tế ông phân tích thế nào về thực tiễn phân bổ ngân sách hiện nay?
Đã có những địa phương, như TP.HCM đề xuất xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ông nghĩ gì về những đề xuất như thế?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Cơ chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho ở ta đã kéo dài bao nhiêu năm nay và tồn tại rất nhiều vấn đề. Cách tư duy, cách làm ngân sách của chúng ta cứng và hiệu quả rất thấp.
Thứ nhất, với mối quan hệ một bên là quyền quyết định phân bổ và một bên đi xin thì quyền tự chủ của các địa phương rất ít. Sự chủ động và sáng tạo trong việc chi tiêu ngân sách của các địa phương vì thế cũng rất hạn chế. Bởi, phàm là đi xin thì lôi thôi lắm. Từ xin mục tiêu, xin cách làm đến xin tiền… có khi xin xong được thì thu hút đầu tư để phát triển đã quá chậm hoặc mất hết cả thời cơ rồi.
Thứ hai, với cơ chế xin cho, việc phân bổ ngân sách của chúng ta vẫn theo kiểu cào bằng, nó không tạo ra được sự khuyến khích, không tạo ra động lực để phát triển, để tăng thêm nguồn ngân sách.
Với thực tiễn đa số địa phương đang nghèo nên tỷ lệ các tỉnh thành đóng góp vào ngân sách sách rất ít (mới có hơn 16 tỉnh tự chủ), nhưng có một nghịch lý, tôi đi nhiều địa phương thấy rõ, những tỉnh nào thường xuyên đi xin ngân sách thì trụ sở các thứ, những công trình công cộng, những tượng đài đều rất đẹp. Còn những địa phương giàu, như TP.HCM chẳng hạn, vẫn còn rất nhiều trụ sở cũ, xuống cấp... Nguyên nhân, theo tôi là vì ông giàu thì vẫn è cổ ra làm để nộp, còn ông nghèo thì chỉ nhăm nhăm đi xin.
Thứ ba là cách phân bổ ngân sách theo đầu người cũng có những bất cập. Điều này xẩy ra tình trạng, những địa phương nào phát triển thì thu ngân sách rất cao nhưng mức chi ngân sách theo đầu người lại rất thấp.
Ví dụ, rất lạ lùng, những con số chi ngân sách bình quân cho cả vùng Đông Nam Bộ (vùng nộp ngân sách nhiều nhất cho cả nước) nhưng theo tỷ lệ bình quân đầu người lại thấp nhất.
Đơn cử như TP.HCM, thống kê chính thức thì thành phố xấp xỉ 9 triệu người, nhưng thực tế rơi vào khoảng 13 - 14 triệu dân. Tức là ngân sách thành phố được phân bổ dựa vào tỷ lệ 9 triệu người, nhưng thực tế chi cho các dịch vụ công và nhiều thứ khác phải đảm bảo số dân thực tế, phần chênh lệch đó tương đương với một tỉnh lớn nữa.
Vấn đề thứ tư là tỷ lệ phân bổ ngân sách cho các tỉnh có vai trò đầu tàu ngày càng co lại. Bởi vì do ngân sách trung ương khó khăn nên từ chỗ “cắt” lại 35% bây giờ TP.HCM chỉ còn 18%. Tức là cơ chế phân bổ ngân sách của mình không dựa trên cơ sở khuyến khích sự phát triển mà tùy tiện, cho bao nhiêu được bấy nhiêu.
Những vấn đề trên thể hiện sự bất hợp lý của thu chi ngân sách. Nguồn thu quốc gia phải được bồi bổ, phải nhớ rằng những địa phương nộp ngân sách có vai trò kéo, nuôi ngân sách trung ương nên cần phải có sự ưu tiên, cần tạo cơ hội cho họ giàu thêm để tăng nguồn thu, cũng là cơ sở để các đầu tàu đó kéo các tỉnh nghèo đi lên.
Vì vậy cần phải có sự thay đổi, những đề xuất như của TP.HCM là hoàn toàn hợp lý. Còn nếu chúng ta vẫn phân bổ ngân sách theo kiểu cào bằng, các cuộc họp bàn chia ngân sách vẫn còn nghe những ý kiến theo kiểu “tỉnh em nghèo phải lo cho em trước” thì không ổn. Tư duy đó thể hiện tầm nhìn ngắn hạn, thiển cận, đặc biệt là đi ngược lại quy luật của kinh tế thị trường về việc khuyến khích sự phát triển.
Nhà báo Hoàng Anh: Xem ra đang có sự bất công trong vấn đề phân bổ ngân sách? Thực tiễn cũng chỉ ra, chính cơ chế xin cho đã đẻ ra tiêu cực, lãng phí và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác, thưa ông? Chúng ta nói nhiều về các địa phương là những đầu tàu kinh tế, tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ kinh tế thì có nhiều dự án đầu tư tiền của rất lớn nhưng gây bức xúc trong dư luận (dự án Cát Linh - Hà Đông), ngược lại, có những vùng kinh tế việc đầu tư xây dựng hạ tầng chưa thực sự được quan tâm đúng mức để tạo sức bật đúng với tiềm năng (miền Tây, miền Đông Nam Bộ), tình trạng đội vốn, khát vốn diễn ra khắp nơi, ông bình luận gì về bức tranh 2 thái cực đó?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Chắc chắn là bất công và bất bình đẳng, đồng thời không tạo ra động lực để khuyến khích địa phương tăng thu ngân sách.
Đáng lẽ ra địa phương nào thu ngân sách nhiều thì phải có cơ chế khuyến khích người ta. Cụ thể, đối với những đầu tàu như TP.HCM, muốn tăng nguồn thu ngân sách trung ương thì cũng phải có cơ chế địa phương này được hưởng tăng lên.
Còn cứ tìm cách “thiến” bớt tỷ lệ của họ thì ngân sách của họ không đủ nguồn lực để giải quyết nhu cầu tối thiểu, lúc nào cũng căng thẳng, lúc nào cũng vá víu, làm sao mà phát triển, mà đầu tư hạ tầng để thu hút, tạo ra sức hấp dẫn được…
Có thể nhận thấy, gần đây, không chỉ riêng TP.HCM mà tốc độ tăng trưởng ở các trung tâm đầu tàu giảm đi ghê gớm. Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi trong đó có việc những địa phương đó thiếu động lực trong phát triển nguồn ngân sách. Đó là một hiệu ứng tác động mang tính tiêu cực cao.
Còn về vấn đề tiêu cực trong cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay, xin khẳng định là không thể tránh khỏi. Bởi vì cơ chế xin cho xuất phát từ động cơ là lợi ích của mình. Tỉnh nào xin được thêm tí nào quý tí đấy. Việc khan hiếm nguồn lực khiến ai cũng muốn xin thêm cho mình. Muốn xin được phần hơn đó thì phải có thỏa thuận, mặc cả. Tham nhũng sinh ra từ đấy, ăn chia sinh ra từ đấy.
Nó bắt đầu từ một lô-gic rất rõ ràng: Xin cho, thỏa thuận thì phải có tý chấm mút, phải có sự chia chác. Anh giúp chú thì cũng phải lắt léo một tý, phải trả ơn anh tý, không anh đối diện với rủi ro thế nào. Vì thế việc kiếm ăn trong cơ chế là rất rõ, ngân sách vì thế mà thất thoát cũng rất rõ. Và cơ chế này cũng chắc chắn khiến ngân sách bị tổn thất bởi vì người ta làm có phải chịu trách nhiệm đâu. Không có trách nhiệm, không có tiêu chuẩn nên bộ máy giám sát rất lỏng lẻo.
Bằng chứng là đa số nhân dân không nghĩ được trong vấn đề giải quyết chế độ thương binh liệt sĩ lại xảy ra tình trạng “ăn” nhiều đến thế. Cán bộ ở nhiều tỉnh làm hồ sơ giả mấy chục nghìn trường hợp, “ăn” tiền ngân sách từ những kẽ hở to đoành của cơ chế bao nhiêu năm mà không bị phát hiện.
Rồi đầu tư cũng thế. Đầu tư phân bổ vốn lúc nào cũng phải rải đều ra vì ngân sách không đủ. Một chiếc cầu có thể xây trong vòng một năm là đi được, đằng này ba năm, năm năm vẫn chưa xong. Đến lúc xong có khi cầu cũng bắt đầu hỏng. Đó là sự lãng phí động, rất kinh khủng. Lãng phí về tiền bạc, lãng phí về cơ hội phát triển…
Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đáng lẽ ra phải xong cách đây 5 - 6 năm rồi, nếu được như thế quãng thời gian đó rút ngắn con đường phát triển đi lên của Thủ đô biết bao nhiêu. Đằng này 5 - 6 năm nó vẫn cứ ỳ ra như thế, tốn thêm bao nhiêu tiền của... Nó hỏng ở đây không phải cây cầu, con đường mà hậu quả rất lớn là nền kinh tế mất một chỗ để lưu thông.
Cuối cùng, trong tổng số cái bánh đó, được ông này, mất ông khác và hậu quả là hỏng cơ chế. Và cái hỏng quan trọng nhất nữa là không thể nào công khai minh bạch được.
"Về nguyên tắc hệ thống ngân sách phải có tính công khai, minh bạch về cơ chế. Muốn thế phải có tiêu chuẩn, phải có cơ chế rõ ràng giữa phân cấp và phân quyền. Quyền ở đây bao gồm cả nguồn lực trong đó. Tôi phân cấp cho ông là cấp dưới, ông có mấy chức năng, để thực hiện chức năng ông phải có trách nhiệm… Phải có quyền chủ động, phải có lực, ngân sách chia cho ông bao tiền ông phải chủ động làm và phải chịu trách nhiệm. nếu làm tốt địa phương được hưởng. Rõ ràng, minh bạch, công khai", TS Trần Đình Thiên
Nhà báo Hoàng Anh: Bản chất theo ông là do cơ chế, nhưng thưa ông, thực tiễn chỉ ra rằng, có nhiều tiêu cực trong vấn đề gây thất thoát ngân sách, nhưng, Nhà nước cũng đã liên tục có những chế tài để thắt chặt, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đấy thôi? Chúng ta có cả một hệ thống luật pháp cơ mà?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Đối với vấn đề phân bổ ngân sách, tôi thấy, luật pháp ở ta chồng chéo và phức tạp lắm. Đi qua hết các cửa có khi đã “bỏ mẹ” rồi.
Thế cho nên mới có những câu chuyện, những “cách chơi” vượt luật, hoặc phá luật. Từ sự phức tạp của luật pháp, bộ máy dựa vào quyền hành về luật để “ăn”, để kéo dài việc kiếm chác, thậm chí là đẻ thêm luật. Ông có quyền bao giờ cũng làm chủ cuộc chơi đó.
Anh muốn nhanh thì phá lệ, tôi chịu rủi ro và anh phải bôi trơn. Nhanh cũng được, chậm cũng được, dễ cũng được, khó cũng được… Tức là kiểu gì ông có quyền cũng “chơi” được. Với một hệ thống như thế thì đất nước tổn hại ghê gớm.
Dư luận đang nóng về việc Novaland cầu cứu là một ví dụ. Chủ đầu tư bỏ tiền của và chịu lãi, khi tất cả đã sẵn sàng thì buộc phải dừng lại hết vì một quyết định thanh tra mà chưa rõ là đúng sai thế nào. Thế thì toi rồi.
Hệ thống của chúng ta theo cơ chế vận hành như thế, dựa trên các quy định, chính sách, một số tiểu chuẩn như thế… Nhóm lợi ích nó cài cắm, nó chốt vào đấy khiến cho ông khó cựa lắm. Nếu ông muốn cựa được thì ông phải thỏa thuận với người ta. Và người ta có lợi việc ông cựa đó.
Nói cách khác, chúng ta có đủ các thứ luật phải tuân thủ cho nên cần phải phân cấp cho các địa phương là vì thế. Ví dụ một cái nhà để địa phương quyết định sẽ khác hẳn, còn để đi ra Hà Nội xin thì chết.
Hoặc vấn đề đầu tư công. Về bản chất thì vẫn là cơ chế xin cho. Ông làm những dự án, thủ tục của ông vướng nhiều luật, để đi qua được những luật ấy mà không có gì thì ông cũng chết rồi. Đến khi dự án của ông để lâu quá, cần phải có thêm giải pháp tháo gỡ. Đấy là thêm luật, thêm trói. Luật cứ chồng đống lên, vô cùng phức tạp và xung đột lẫn nhau… Đó chính là những đặc trưng hệ thống cơ chế chính sách của chúng ta. Gỡ cái này tức là phải vượt qua những luật cũ đi để gỡ cho nó.
Cho nên tại sao các doanh nghiệp hay đi chạy vốn và sinh ra những câu chuyện tiêu cực. Tiêu cực đến từ những chi phí khai thông dòng vốn không tránh khỏi. Vấn đề là ai tạo ra những ách tắc đó? Doanh nghiệp phải chạy vì lợi ích của họ. Chúng ta có một cơ chế xin tiền ngân sách nhiều cửa nhưng không chặt. Chúng ta có cả một hệ thống rối rắm phức tạp, lãng phí, tuy nhiên thực tế vẫn thất thoát, thậm chí còn cao hơn.
Nó có những ràng buộc, những rào cản vì quan điểm về thị trường của mình chưa thông thoáng. Ta cứ nói là đẩy mạnh thị trường thế thôi chứ thái độ đối với thị trường không tích cực, thiện chí. Ta không hiểu rằng nếu làm thị trường tốt thì đất nước sẽ tốt lên. Ta cứ sợ thị trường làm hỏng hệ thống…
Nhưng tôi nghĩ rằng, ẩn đằng sau đó là những động cơ có tính mờ ám cao, lợi ích nhóm. Nếu chúng ta làm bài bản, tích cực công khai minh bạch thì vẫn có thể làm được, nhưng không làm.
Bởi vì muốn công khai minh bạch thì phải có những tiêu chuẩn để đo lường, để đối chiếu, nhưng ta có làm đâu.
Ví dụ như tiêu chuẩn nước mắm chẳng hạn, nếu có tiêu chuẩn từ đầu thì làm sao mà làm giả được. Làm sao để xảy ra tình trạng mất bao nhiêu công sức bỏ ra, bao nhiêu doanh nghiệp thiệt hại tiền của được.
Nói cách khách, thị trường đòi hỏi sự công khai minh bạch về cơ chế. Nếu ngân sách công khai minh bạch thì sự trong sáng của cơ chế sẽ rõ ra, hiệu quả sẽ tăng lên. Thế thôi. Không có gì ghê gớm, bí ẩn cả.
"Hay như vấn đề kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân lúc nào chả là động lực quan trọng của thị trường, xưa nay rồi. Còn ta vẫn e ngại thị trường, nghi kỵ tư nhân, trong khi không hiểu rằng chính cơ chế của ta làm hỏng ta nhiều hơn", ông Trần Đình Thiên.
Nhà báo Hoàng Anh: Ông nói rằng, để thay đổi không phải là vấn đề khó, đặc biệt là để bịt những kẽ hở trong phân bổ ngân sách cũng như để tạo ra động lực phát triển, theo ông, cần thay đổi như thế nào?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Thực ra, về nguyên lý, để Việt Nam thay đổi vấn đề phân bổ ngân sách cho đúng với những nước đi trước đúng là không có vấn đề gì khó cả. Có phải nghĩ đâu, cứ học người ta rồi làm thôi.
Theo tôi, cần phải phân chia ngân sách địa phương riêng, trung ương riêng. Tất nhiên, về bản chất thì vẫn là nguồn lực ngân sách quốc gia này nhưng phân ra hai cấp khác nhau và tương đối độc lập.
Hãy trao cho địa phương những việc mà nếu họ làm được thì được quyền hưởng ngân sách tương ứng theo tỷ lệ. Địa phương có mười việc thì tự cân đối xem việc nào là cần kíp, làm như thế nào để có thể tăng nguồn thu và xử lý đầu việc hiệu quả nhất.
Ở các nước tiên tiến, ngân sách trung ương và địa phương họ cũng độc lập với nhau. Như Liên bang Đức chẳng hạn. Độc lập được ngân sách sẽ độc lập về quyền. Khi đó người ta tính bộ máy có những tính toán sao cho phù hợp. Tỉnh miền núi phải khác tỉnh đồng bằng, tỉnh đồng bằng sâu phải khác tỉnh ven biển vì đặc thù ở từng vùng khác nhau.
Về ngân sách, một trong những nguyên tắc cần phải áp dụng là địa phương không được lệ thuộc, phải đảm bảo tính độc lập về mặt chức năng, phải có quyền sử dụng nguồn lực và phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng nguồn lực cũng như làm tăng thêm nguồn lực đó.
Thứ hai phải bảo đảm được tính công khai, minh bạch trong phân bổ ngân sách, phân chia nguồn lực và việc sử dụng. Tôi muốn nhấn mạnh nội dung này bởi vì nhiều khi chúng ta công khai nhưng không minh bạch. Chúng ta nêu ra những con số nhưng không giải trình.
Con đường này, cây cầu này trong thời gian này không xong thì thế nào? Phải quy được trách nhiệm, kèm theo đó là chế tài khuyến khích người ta. Nếu làm tốt thì được hưởng lợi gì. Có cách tiếp cận về lợi ích ngân sách, thưởng phạt rõ ràng thì tính khuyến khích về ngân sách mới rõ được.
Nói tóm lại là phải xóa bỏ nguyên tắc cào bằng. Bởi vì như thế không phải là công bằng. Công bằng phải tính theo chức năng. Cần phải hướng đến quyền tự chủ cao hơn ở các địa phương. Phải để họ tự chịu trách nhiệm với người dân của họ. Trên tinh thần đó, đặt vấn đề độc lập tương đối ngân sách mới rõ được, mới có tính khuyến khích được. Còn cứ xin cho thế này thì thiệt hại đủ thứ.
Chỉ những ông nghèo, xem tiền ngân sách là tiền chùa mới thích và nó gây ra sự thiệt hại cho sự phát triển chung chứ không còn riêng vấn đề ngân sách nữa. Người ta vẫn sử dụng nguồn lực công vô tội vạ mà không bị ràng buộc trách nhiệm.
Nhà báo Hoàng Anh: Giải pháp rõ ràng như thế, còn thực trạng thì tồn tại từ lâu, nhưng, theo ông, vì sao không thay đổi?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Vì có những người không muốn thay đổi.
Ví dụ, chúng ta có thể thấy hàng đống dự án đang ách tắc, đang vướng vào những cơ chế cũ, hàng nghìn dự án vẫn treo lơ lửng nhưng vì sao không xử lý? Do cơ chế cả đấy. Không phải không thể xử lý như chúng ta vẫn nghĩ mà vì cơ chế, vì hệ thống lợi ích giằng lên nhau. Ông này muốn bỏ ông kia chưa muốn bỏ. Chỗ ấy còn ăn được nên họ cố giữ để không công khai minh bạch.
So sánh thế này nhé, tại sao chính sách tiền lương của mình khó cải cách dù nhiều người thấy bất hợp lý. Lương phải theo năng suất, theo tài năng, theo cống hiến chứ theo lạm phát thế nào được.
Vô lý thế đấy, nhưng ai cần thay đổi? Người cần lương nhất là người nghèo, công nhân, viên chức… bởi họ không có gì ngoài lương cả. Còn đối với nhiều quan chức, các ông cần gì lương, các ông có cơ hội chỗ khác.
Các ông cũng thấy chính sách tiền lương bất hợp lý nhưng không quan tâm, bởi, các ông không ảnh hưởng, thậm chí là còn được hưởng lợi trong đó. Cho nên áp lực cải cách tiền lương không ra được bởi vì người cần cải cách tiền lương thì không được quyền quyết định, còn người cầm bút ký quyết định cải cách lương lại không có nhu cầu cải cách chính sách lương.
Nói thế để thấy là lợi ích nó giằng người ta lại. Phải giải thích bằng quan hệ lợi ích chứ không phải đạo đức hay bất cứ thứ gì khác.
Cơ chế sinh ra con người nên chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận. Tất nhiên ông nào kỷ luật vẫn phải bị kỷ luật, nhưng khi có cơ chế tốt, minh bạch thì tự nó loại những ông xấu, ông lợi ích, ông không có năng lực ra ngay. Lúc đó người ta sợ cơ chế, người ta không dám làm nữa. Còn bây giờ nó cóc sợ, nó chấp nhận, nó khuân một mẻ sau đó đi tù vài năm còn con cái ăn đến muôn đời.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Phải cắn răng mà làm, phải chịu hi sinh để làm rõ giai đoạn tranh tối tranh sáng, làm rõ những dở dang của cơ chế cũ còn tồn đọng. Phải chịu đau, giống như công cuộc chống tham nhũng ấy. Phải động đến cơ chế mới được. Còn nếu đau theo kiểu bắt tù ông này, kiểm điểm ông kia thì chưa đủ. Có tác dụng răn đe đấy, nhưng tác dụng thay đổi cơ chế yếu lắm.
Bạn đang đọc bài viết Có người đi tù vài năm cũng cóc sợ, con cái họ ăn đến muôn đời tại chuyên mục Chính trị của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.
Hoàng Anh
Hôm nay : 4940
Tháng này : 48434
Tổng truy cập : 80453622