90 năm - một chặng đường dài. Đảng Cộng sản Việt Nam, với một bức tranh lịch sử, có nhiều màu sáng chói và lẫn cả những màu đen. Từ cách Đảng nhận ra sai lầm, ta thấy ở Đảng một sự dũng cảm.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, tồn tại và phát triển cho tới nay đã tròn 90 năm.
Tháng 10/1930, BCH TƯ lâm thời họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Trần Phú, quyết định đổi tên từ Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Tiếp theo, Đảng lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1951, cuộc kháng chiến trên đà thắng lợi, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng họp đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2, quyết định đổi tên từ Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nước ta bị chia cắt, miền Bắc được giải phóng, Đảng lãnh đạo xây dựng CNXH ở miền Bắc và cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam.
Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Người để lại một bản di chúc mà nội dung tựa như Cương lĩnh tổng quát xây dựng đất nước sau ngày thống nhất.
Năm 1975, Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng. Đất nước hòa bình thống nhất.
Năm 1976, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 của Đảng dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Lê Duẩn quyết định đổi tên Đảng từ Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi tên nước từ Việt Nam dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đại hội đã quyết định đường lối chiến lược xây dựng nước Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội.
Trải qua 10 năm, hai nhiệm kỳ lần thứ 4 và lần thứ 5, Đảng lại phải làm hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam; trong nước thì rơi vào tình trạng khủng hoảng về kinh tế, ngoài thì bị bao vây cấm vận.
Năm 1986, khai mạc đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng. Trong Báo cáo chính trị do Tổng bí thư Trường Chinh trình bày đã ghi rõ: “…trong mười năm qua đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo XHCN và quản lý kinh tế”. Báo cáo chính trị đã nhấn mạnh “Đổi mới tư duy, nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng… Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết có ý nghĩa sống còn”.
Công cuộc đổi mới được tiến hành từ Đại hội 6 (1986) tới Đại hội 12 (2016), qua 7 nhiệm kỳ.
Năm 2016, tại Đại hội 12, văn kiện của Đảng đã ghi: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn”.
Riêng về thực trạng của Đảng, ngày 21/5/2012, BCH TƯ lần thứ 4 khóa 11 đã nhìn thẳng vào sự thật thừa nhận: Tuy đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...
Sau đó, nghị quyết TƯ 4 khóa 11 lại tiếp tục chỉ ra một cách cụ thể chi tiết những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, về tự diễn biến, trong đó chỉ ra hiện tượng đáng báo động như lợi ích nhóm, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
10 năm đưa hai nghị quyết TƯ 4 vào cuộc sống, một lần nữa Đảng lại có sự tự chỉ trích, tự phê bình, dũng cảm mong tẩy rửa khỏi đầu óc và cơ thể mình những sai lầm, thậm chí dũng cảm đưa những đảng viên, cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao vào lò thiêu của cách mạng.
Tính đến hội nghị lần thứ 11 BCH TƯ khóa 12 đã cho thấy kể từ đầu nhiệm kỳ khoá 12 đến 7/11/2019, tổng số cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật là 53.107, BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra TƯ đã thi hành kỷ luật 70 cán bộ cao cấp thuộc diện trung ương quản lý trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị và 4 ủy viên TƯ khoá 12, 14 nguyên ủy viên TƯ, 1 nguyên phó thủ tướng, 5 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 2 bí thư tỉnh uỷ, 5 nguyên bí thư tỉnh uỷ và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự… Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng.
90 năm - một chặng đường dài, Đảng Cộng sản Việt Nam, với một bức tranh lịch sử, có nhiều màu sáng chói và lẫn cả những màu đen!
Từ cách Đảng biết nhận ra sai lầm, dám công khai nhận ra sai lầm ta thấy ở Đảng một sự dũng cảm!
Từ cách Đảng thể hiện sự cố gắng tìm ra cách sửa chữa ta thấy ở Đảng một sự thông minh!
Sự vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức mạnh để Đảng trở nên vĩ đại chính là như thế!
Không ai khác, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả lời khẳng định “Đảng ta thật vĩ đại”, 8 năm sau (năm 1968, trước khi qua đời 1 năm) Người tiếp tục khẳng định: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Chống chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù bên trong của mỗi cán bộ, đảng viên là cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ, nhiều khi đau đớn, nhưng đó chính là nỗi đau để trở thành vĩ đại.
Lịch sử đã minh chứng hùng hồn rằng: Không có gì làm cho nhân loại vĩ đại hơn là vượt qua những cơn đau vĩ đại, cơn đau của sự sinh thành và phát triển, cơn đau để chính nghĩa thắng gian tà, để cái thiện nở hoa và cái ác lụi tàn!
2020, chúng ta vẫn vững tin và hy vọng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam bước sang tuổi 91, khi trời đất đã vào xuân, cỏ cây hoa lá lại hồi sinh, đơm hoa kết trái, những người cộng sản hiện nay biết dũng cảm vượt qua chính mình, biết theo gương các thế hệ cha ông để một lần nữa làm cho Đảng tiếp tục làm nên sự nghiệp vĩ đại của thời đại mới - thời đại mà nhân loại đang bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với ánh sáng của trí tuệ và phồn vinh.
Trần Đình Huỳnh (Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng)
Hôm nay : 2299
Tháng này : 4581
Tổng truy cập : 92089970