rước thềm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Báo Hà Tĩnh ghi lại những chia sẻ, kỳ vọng, mong muốn của đội ngũ doanh nhân tỉnh nhà trong bối cảnh chịu tác động không nhỏ của dịch COVID-19.
Bà Võ Thị Hồng Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh: Hy vọng dịch sớm được kiểm soát để cộng đồng doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH và hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp. Là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dù không chịu ảnh hưởng nặng như nhiều ngành nghề khác nhưng Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cũng gặp những khó khăn do dịch gây ra.
Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi đã tập trung cao nhất cho nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa sản xuất, liên kết sản xuất với bà con nhân dân, tích cực làm cầu nối cho người dân và cơ quan Nhà nước.
Bà Võ Thị Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh kiểm tra hoạt động lò sấy lúa của doanh nghiệp.
Thời điểm này, công ty đang tập trung hoàn thành các điều khoản hợp đồng liên kết với bà con, chuẩn bị tốt cho công tác cung ứng giống sản xuất vụ xuân theo đúng chủ trương của tỉnh và tiến độ thực hiện của các địa phương. Công ty cũng đang tập trung phát triển thị trường thương hiệu gạo Xuyên Hương.
Điều mong mỏi nhất hiện nay của chúng tôi là dịch bệnh sớm được kiểm soát để cộng đồng doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh. Tôi cũng kỳ vọng chính quyền các cấp tiếp tục có những cơ chế, chính sách phù hợp, ưu tiên cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh để “tiếp sức” cho họ thực hiện nhiệm vụ còn lại của năm 2021 và tạo đà cho những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Tiến Trình – Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Mong nghị quyết về đổi mới, phát triển doanh nghiệp sớm đi vào cuộc sống.
Là doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch lữ hành, chúng tôi chịu tác động trực tiếp và đầu tiên khi dịch xuất hiện. Từ năm 2020 tới nay, hoạt động du lịch rơi vào tình trang “đóng băng”. Đặc biệt, từ tháng 5/2021 tới nay, công ty gần như dừng hoạt động, nhân viên phải nghỉ việc tạm thời.
Thời gian qua, chính quyền, các cấp, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song để “vực dậy” những doanh nghiệp đang bên “bờ vực thẳm”, cần có những cơ chế, chính sách riêng cho từng nhóm doanh nghiệp theo tình hình thực tế hiện nay.
Tới đây, Nghị quyết đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ được ban hành. Nghị quyết phân tích rõ thực trạng tình hình doanh nghiệp; đặt ra mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể và thời đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển, nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Tôi mong rằng sau khi ban hành, nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải: Mỗi người dân đều sớm được tiêm vắc-xin.
Dịch bệnh đã tác động tiêu cực tới doanh nghiệp về nhiều mặt như: thị trường, công tác vận chuyển, người lao động, sản lượng sản xuất, doanh thu... Trong khó khăn đó, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, doanh nhân phải thay đổi tư duy, tìm hướng đi mới để duy trì hoạt động.
Tôi nghĩ rằng, người doanh nhân trong bối cảnh hiện nay cần nhất là sự bình tĩnh, quyết đoán, tìm ra những giải pháp làm giảm tác động của dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều quan trọng là tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch bệnh, từ đó mới có thể duy trì bộ máy hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ổn định sản xuất và người lao động yên tâm làm việc chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát lâu dài. Do đó, hy vọng mỗi người dân sớm được tiêm vắc-xin để tạo sự miễn dịch công đồng.
Anh Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ EURO: Cần có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trẻ.
Thời gian qua, trong thách thức của dịch bệnh, có khá nhiều doanh nghiệp đã tìm ra cơ hội, hình thức kinh doanh để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp trẻ mới khởi nghiệp đa phần là thiếu vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động và có nguy cơ phá sản nếu như tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Cùng với sự chuyển mình, thay đổi tư duy hoạt động của nội tại các doanh nghiệp, tôi mong có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm... để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp tại thời điểm khó khăn này.
Về lâu dài, hy vọng sẽ có những phương án kết nối các ngành nghề với nhau để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ tiếp cận; kết nối cộng đồng doanh nghiệp trẻ với các chuyên gia, đơn vị chuyên môn của tỉnh để thường xuyên được chia sẻ, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp, sát với thực tế tình hình doanh nghiệp.
Hôm nay : 121
Tháng này : 5238
Tổng truy cập : 92512795