Dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế nước ta. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), do tác động tiêu cực của dịch, trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước đã có gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường-con số kỷ lục từ trước đến nay.
VCCI nhận định, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng; 50% doanh nghiệp trụ được khoảng nửa năm. Doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô khiến hàng triệu người lao động bị ngừng việc, mất việc, mà nặng nhất là trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, giày da, dệt may.
Khó khăn đủ đường, nhiều doanh nghiệp đang rất chật vật để tồn tại. Chỉ đơn cử, để có mặt bằng kinh doanh-sản xuất, doanh nghiệp phải trả khoản tiền không nhỏ, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng mỗi tháng để thuê. Các doanh nghiệp thương mại càng lớn, hình thành chuỗi cửa hàng thì tiền thuê mặt bằng kinh doanh là gánh nặng lớn. Ngay cả các trường học ngoài công lập, bản chất cũng là doanh nghiệp, phải đi thuê mặt bằng với giá rất cao, cũng đã đầu tư xây dựng, sửa chữa rất lớn.
Ảnh minh họa. |
Trong hơn hai tháng qua, vì dịch Covid-19, trường học đóng cửa, học sinh nghỉ học; việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngừng trệ, nhất là khi thực hiện cách ly xã hội, không còn doanh thu. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng vẫn theo hợp đồng đã ký, phải thực hiện đầy đủ. Nếu không tuân thủ thì sẽ bị phạt, hoặc lớn hơn là mất mặt bằng kinh doanh. Cứ đà này, một thời gian nữa khi dịch bệnh được khống chế, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp, các trường học ngoài công lập, vì không chịu nổi những chi phí, trong đó có chi phí thuê mặt bằng mà sẽ phải dừng hoạt động, gây hệ lụy lớn: Người lao động mất việc làm, học sinh sẽ không còn nơi học.
Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, nhất là những trường hợp đặc biệt khó khăn để vượt qua giai đoạn hiện nay. Cụ thể, với vấn đề mặt bằng kinh doanh, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP để gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, gia hạn tiền thuê đất là 5 tháng kể từ ngày 31-5-2020 đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng của nghị định, đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm.
Tuy nhiên, ngoài doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuê đất của Nhà nước thì còn lượng lớn doanh nghiệp phải thuê đất, thuê nhà của các chủ tư nhân. Mà đối tượng chủ đất, chủ nhà này thì hiện nay chưa có quy định nào để buộc họ phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thuê mặt bằng. Tại Singapore, những người làm luật đang xây dựng một đạo luật về các biện pháp tạm thời ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, trong đó các chủ đất sẽ không được phép kết thúc hợp đồng hay lấy lại nhà trong ít nhất 6 tháng nếu như người thuê không thể trả tiền thuê vì khó khăn trong dịch Covid-19.
Chúng ta có nên xem xét những cách thức quản lý như vậy hay không? Điều này cũng cần được các cơ quan quản lý tính toán. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là nếu chỉ có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là chưa đủ để doanh nghiệp vượt khó. Mà lúc này rất cần sự tương trợ lẫn nhau từ các doanh nghiệp và cả xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp cần có ý thức bao bọc, chia sẻ, cùng kéo nhau thoát khỏi hố sâu của sự suy giảm, đổ vỡ. Cái gì có thể thông cảm, chi phí tài chính nào có thể cắt giảm, giãn, hoãn cho nhau được thì nên giúp nhau. Cũng giống như để có đủ dưỡng khí cho các bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy, các nhà khoa học tại Nga đã cải tiến để một máy thở có thể dùng cho nhiều bệnh nhân. Cộng đồng doanh nghiệp nên san sẻ một phần dưỡng khí của mình cho nhau để cùng tồn tại qua cơn hoạn nạn hiện nay.
HỒ QUANG PHƯƠNG
Hôm nay : 2075
Tháng này : 7796
Tổng truy cập : 92937219