Trong điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, thì mở cửa thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho doanh nghiệp và là gói kích thích kinh tế có hiệu quả nhất lúc này, TS Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Ảnh T.L
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS Vũ Tiến Lộc, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp khá đồng bộ về tài khoá, tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đó là những nỗ lực lớn, rất đáng trân trọng.
Vấn đề là phải tổ chức thực hiện thật khẩn trương, hiệu quả các gói hỗ trợ này. Doanh nghiệp đang rất khó khăn. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày có thể doanh nghiệp đã "băng hà" thì Nhà nước có hà hơi tiếp sức cũng bằng không. Nếu "chống dịch như chống giặc" thì "giải cứu doanh nghiệp" cũng cần khẩn trương như "giải cứu đồng đội của mình", trong cuộc chiến để bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ sinh kế của nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đại dịch gần như đã bị đẩy lùi. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã khống chế thành công sự lây nhiễm của dịch bệnh và có điều kiện dỡ bỏ sớm các biện pháp cách ly để tái khởi động nền kinh tế, thực hiện kinh doanh an toàn, sống chung với dịch bệnh. Chúng ta đang có cơ hội bước ra khỏi đà suy giảm kinh tế xuất phát từ đại dịch sớm hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Với quan điểm này, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, với điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, thì mở cửa thị trường nội địa sẽ là cứu cánh của doanh nghiệp và gói kích thích kinh tế lớn nhất, có hiệu quả nhất lúc này (hay "cỗ máy trợ thở" quan trọng nhất) là "xóa bỏ ngăn sông cấm chợ" mở cửa lại thị trường nội địa để cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế.
Hiện nay, các nhà máy sản xuất đã được tiếp tục, công trường đã mở cửa trở lại, nhưng lưu thông hàng hóa vẫn bị cấm đoán hay hạn chế, các cửa hàng cửa hiệu không được mở, giao thông vận tải vẫn ách tắc thì chuỗi cung ứng vẫn bị đứt đoạn, nền kinh tế vẫn trì trệ.
" Vì vậy tôi đề nghị cho phép các cửa hàng, cửa hiệu được mở lại, phần lớn các hoạt động dịch vụ được khôi phục, du lịch nội địa được tiếp nối, giao thông nội địa được thông suốt, các đường bay nội địa được hoạt động trở lại bình thường trên cơ sở bảo đảm các điều kiện giãn cách xã hội, theo quy định của ngành Y tế như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn" - Chủ tịch VCCI đề nghị. Theo ông Vũ Tiến Lộc, chi phí cơ hội của việc thực hiện cách ly - giãn cách xã hội là rất lớn và hậu quả mà nền kinh tế phải gánh chịu là rất nặng nề. Do đó, bây giờ là thời điểm thích hợp để sớm nới lỏng tiến tới dỡ bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện kinh doanh an toàn.
Chậm dỡ bỏ các biện pháp "ngăn sông, cấm chợ" thì chẳng khác nào chúng ta một tay bơm tiền giải cứu còn tay kia vẫn hạn chế thị trường và hệ quả là các chính sách không đồng hướng, triệt tiêu nhau và doanh nghiệp không thể trở lại kinh doanh như kỳ vọng. Dòng chảy kinh doanh cần được khai thông khẩn trương để sớm trở lại trạng thái bình thường.
"Chúng ta có 268 bệnh nhân lây nhiễm "Covid y tế" nhưng cả gần 800 ngàn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh và người dân đang gánh đủ hậu quả của "Covid kinh tế". Rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã phải đóng cửa, giải thể hay thu hẹp quy mô sản xuất và không ít đang trong trạng thái "ngủ đông" và "chết lâm sàng", tình hình rất nghiêm trọng" - TS Vũ Tiến Lộc cho biết.
50% doanh nghiệp sẽ khó có thể tiếp tục trụ vững sau nửa năm nữa nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và các biện pháp cách ly không được dỡ bỏ hợp lý kịp thời. Hàng triệu người lao động đang bị mất việc làm và sẽ có nguy cơ mất việc làm trong thời gian tới.
Mở cửa sớm thị trường, trước hết là thị trường trong nước - không gian kinh tế mà chúng ta có thể chủ động điều tiết trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt như hiện nay, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tái khởi động mà trong nhiều trường hợp sẽ không cần đến các "máy trợ thở" về tài chính.
Đi trước là một lợi thế không nên bỏ lỡ. Các nền kinh tế trên thế giới dù đang còn chật vật trong phòng chống dịch bệnh và khống chế lây nhiễm nhưng vẫn đang khẩn trương chuyển trạng thái, mở cửa lại thị trường.
"Đừng để mất cơ hội khi chúng ta đã đi trước trong phòng chống dịch bệnh nhưng có thể lại là "người đến sau" trong tái khởi động và phục hồi nền kinh tế" - TS Vũ Tiến Lộc đề nghị./.
Theo H.Y(Thời báo tài chính
Hôm nay : 840
Tháng này : 24001
Tổng truy cập : 97832922