Trước thực tế Hà Nội đang có 2 bệnh nhân Covid-19 rất nặng, phải thở máy và không loại trừ trường hợp tử vong, Chủ tịch Hà Nội lo lắng tâm lý xã hội sẽ xáo động trước sự kiện này, giống như hôm 6.3.
Chính phủ đã yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng trước diễn biến đáng ngại của dịch Covid-19 - Ảnh Đậu Tiến Đạt
Tại buổi họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 16.3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã thông tin về 2 bệnh nhân rất nặng, đang phải thở bằng máy.
Đó là bệnh nhân số 19 L.T.H (64 tuổi, nữ, bác ruột của bệnh nhân số 17 N.H.N); và một nam bệnh nhân người Anh (69 tuổi).
Theo thông báo của Bộ Y tế, 2 bệnh nhân này đã được chuyển điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.
Bà L.T.H. suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, đang được lọc máu liên tục. Bà H. có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình. Từ cuối chiều 15.3, bệnh tình của bà đã chuyển nặng, khó thở tăng, tình trạng suy hô hấp tiếp tục tăng từ 22 giờ ngày 15.3.
Bệnh nhân người Anh có bệnh lý nền là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, đã thở máy từ 15.3 và từ 2 giờ 30 sáng 16.3 đã được chuyển sang khoa Điều trị tích cực để theo dõi.
“(Nếu có tử vong xảy ra - PV) mọi người sẽ tâm tư, xáo động. Nhưng mong mọi người hết sức bình tĩnh. Chúng ta đang kiểm soát tốt, chứ không có yếu tố không kiểm soát được”, ông Chung nói và nhấn mạnh việc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đang chỉ đạo từng ngày, từng giờ; Bộ Y tế và các bệnh viện vẫn đang tích cực điều trị và phòng chống dịch, nên người dân có thể yên tâm.
Về chuẩn bị nguồn cung hàng hóa (do lo ngại người dân có lo lắng và xuất hiện tâm lý tích trữ như hôm 7.3), Chủ tịch Hà Nội cho biết TP “đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cung ứng cho mọi người, không cần thiết phải dự trữ để gây ra lãng phí”.
Cùng với cam kết này, ông Chung cũng chính thức cho phép xe chở hàng của tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa được chạy vào thành phố 24/24 giờ và cả 7 ngày trong tuần, thay vì chỉ được chạy vào ban đêm như cũ.
“Nếu tình hình khó khăn kéo dài, có xáo trộn lớn ở châu Âu, Mỹ thì có thể giữa quý sau mới có những mặt hàng thiếu”, theo ông Chung.
Lưu ý các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của TP và lãnh đạo các địa phương về tâm lý người châu Á nói chung và người Việt nói riêng là “lá rụng về cội”, khi qua đời đều muốn ở nhà, có lời trăng trối với con cháu, ông Chung cho rằng, nếu có tổn thất về người vì dịch bệnh (mà tất cả sẽ phải hỏa thiêu) sẽ là “một tổn thương rất lớn về tâm lý xã hội, về văn hóa” mà “vài chục năm sau, những tổn thương này chưa chắc đã hết”.
Do đó, ông Chung đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội thấy rõ nguy cơ. “Giữ được không tổn thất về người thì đấy là thành quả lớn nhất chúng ta đạt được. Về kinh tế, chúng ta sẽ khắc phục được. Chúng ta thực hiện 2 nhiệm vụ song song, vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động kinh tế, nhưng nhiệm vụ số 1 là an toàn”.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cũng cho biết, lần đầu tiên Bộ Y tế đã có công văn quy định rất rõ về cách ly tập trung và cách ly tại nơi ở. Với cách ly tập trung, cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế có văn bản rất rõ về vùng có dịch, gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran, 26 nước EU, Anh và Bắc Ai-len.
“Theo chỉ đạo của Chủ tịch TP, chúng ta tập trung rà soát tất cả những người đi từ châu Âu về từ ngày 13 trở về trước, trong vòng 14 ngày, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Ngoài ra, chúng ta cũng tổ chức tốt công tác cách ly tại nơi ở. Hiện công tác lấy mẫu bệnh phẩm được thực hiện tương đối tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời gian tới, số lượng lấy mẫu sẽ nhiều hơn, điều tra dịch tễ sẽ khó khăn hơn, do mối liên quan dịch tễ phức tạp hơn, cần có kế hoạch bổ sung nhân lực”, ông Cảm cho biết.
Theo đề xuất của CDC, Hà Nội có thể đề nghị các trường: đại học Y Hà Nội, đại học Y tế công cộng, cao đẳng Y tế Hà Đông, cao đẳng Y tế Hà Nội và các trường y, dược tư nhân hỗ trợ cho hệ thống y tế dự phòng, để sẵn sàng lực lượng điều tra dịch tễ, phát hiện sớm để bao vây, khoanh vùng, hạn chế tốt nhất sự lây lan.
Ông Cảm lưu ý Hà Nội cần sẵn sàng cho kịch bản số mắc tăng; số F1, F2 tăng lên theo cấp số nhân, nên cần bố trí sao cho lấy mẫu hợp lý và vận chuyển mẫu một cách nhanh nhất về CDC để tổ chức xét nghiệm.
Liên quan đến việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngay tại cửa khẩu, sân bay, ông Cảm cho biết tương đối khó khăn trong việc xác định số lượng khách trở về.
“Hôm qua, chúng ta đã lấy mẫu xấp xỉ 1000 người đi từ vùng có dịch về. Mặc dù lúc đầu có ùn tắc một chút, chủ yếu là do chờ lấy hành lý. Sau đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô thống nhất với Cảng vụ cho người đi trước, hàng đi sau, cũng là cách tốt để giảm tải ở sân bay. Hôm nay (16.3), cũng xấp xỉ 500 người được lấy mẫu, dù đã điều 3 chuyến bay từ Hà Nội về Vân Đồn", ông Cảm nói.
Theo ông Cảm, những ngày tới, xác định số người trở về sẽ tương đối đông, phải sẵn sàng phương án tiếp đón, phát hiện sớm trường hợp mắc để đưa đi cách ly ở bệnh viện. "Chúng ta cần sẵn sàng tập huấn để có người thay nhau, 3 ca trong 1 ngày, tiến hành điều tra dịch tễ”, Giám đốc CDC Hà Nội cho biết.
Hôm nay : 346
Tháng này : 43726
Tổng truy cập : 80401312