Hà Tĩnh đang khẩn trương cụ thể hóa các giải pháp theo Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa khắc phục ảnh hưởng để ổn định, phát triển kinh tế.
Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu hiện nay và yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD, giảm thiểu thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19.
Nhiều chỉ số kinh tế giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19
Do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, các cửa khẩu đóng lại, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD, nhất là các mặt hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng (không thiết yếu); các hoạt động dịch vụ, du lịch giảm sâu.
Trong quý I/2020, đã có 35 doanh nghiệp (DN) hoàn tất thủ tục giải thể và 26 DN chờ hoàn thành thủ tục giải thể (tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ); 152 DN, đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động SXKD (tăng khoảng 13,4% so với cùng kỳ); một số DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn phải điều chỉnh giảm lao động, các trường học ngoài công lập gặp khó khăn...
Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa giữa các tuyến liên tỉnh, giao thông công cộng nội tỉnh gần như ngừng trệ. Số lượng lao động đang làm việc trong các DN giảm khoảng 7,8% so với cùng kỳ, trong đó: lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp khu vực DN Nhà nước và ngoài Nhà nước giảm lần lượt là khoảng 2,9% và 15,7%, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm khoảng 6%.
Công nhân thời vụ của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh phải nghỉ 50 người do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh tư liệu
Tác động của dịch Covid-19 đã làm cho nhiều chỉ số, mục tiêu kinh tế 4 tháng đầu năm của Hà Tĩnh giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: Chỉ số tăng trưởng công nghiệp giảm 3,08%; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước giảm 38,3% và giảm ở cả 3 nhóm ngành dịch vụ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm giảm 41,66%. Giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn 3 tháng đầu năm ước đạt 932,312 tỷ đồng, giảm 3%.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2009/UBND-KT1 ngày 19/3/2020 để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh do tác động của dịch Covid-19…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (ngày 8/3). Ảnh: Phúc Quang
Theo đó, Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa hạn chế những tác động của dịch bệnh, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh năm 2020 theo kế hoạch đã đề ra.
Tỉnh đã kịp thời ban hành Văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ bằng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng; cụ thể:
Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động đầu tư, SXKD như: thông quan điện tử, nộp thuế điện tử; thủ tục biên phòng điện tử và cấp đổi các loại thị thực, tạo điều kiện cho các hoạt động lưu thông biên giới; thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai... qua mạng; nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động đầu tư, SXKD. Trong ảnh: Cán bộ Sở Công thương Hà Tĩnh tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến trên hệ thống phần mềm của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thái Oanh
Thứ hai, rà soát, đề xuất các phương án giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý II và quý III/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của DN do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền UBND tỉnh quyết định.
Thứ ba, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đang vướng mắc về các thủ tục như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, GPMB, thủ tục giao đất, cho thuê đất... để kịp thời có giải pháp tháo gỡ theo hướng vận dụng tối đa, linh hoạt, không quá cứng nhắc các quy định để sớm hoàn tất thủ tục, đẩy nhanh tiến độ, nhằm huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần thúc đẩy SXKD.
Công ty CP Sao Mai hạn chế tối đa các chi phí phát sinh trong sản xuất. Ảnh: Huy Tùng
Thứ tư, trước mắt, dừng thanh tra tại các DN bị ảnh hưởng để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động SXKD (trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật và trường hợp đặc biệt phải thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật).
Thứ năm, tiếp tục theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng trên thị trường, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, DN, hộ kinh doanh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như: khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế…
Các sở, ngành liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng trên thị trường. Ảnh: Thái Oanh
Thứ sáu, hỗ trợ DN đẩy nhanh tiêu thụ lượng hàng tồn kho để tiếp tục huy động tối đa công suất dây chuyền các nhà máy; tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, tăng cường liên kết giữa các DN; xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa chủ lực của tỉnh khi gặp khó khăn trong xuất khẩu; cung cấp thông tin cho DN sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn về danh sách nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, nguyên nhiên liệu, vật liệu, phục vụ sản xuất thép của dự án Formosa.
Các cấp, ngành tỉnh Hà Tĩnh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ảnh: PV
Thứ bảy, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện trên các lĩnh vực, sản phẩm, cây trồng, vật nuôi nhằm đảm bảo lương thực, cung ứng hàng hóa, thực phẩm nông sản, góp phần ổn định an sinh xã hội, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thứ tám, đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch, đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước; khuyến khích Nhân dân hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để khôi phục thị trường du lịch ngay sau khi kết thúc dịch.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá để khôi phục thị trường du lịch ngay sau khi hết dịch. Ảnh: Hương Thành
Thứ chín, tổ chức rà soát nắm bắt và phân loại đối tượng thuộc phạm vi được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ người nộp thuế theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và miễn tiền thuê đất.
Cùng đó là tham mưu quản lý, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương để chi cho phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh; trong đó, ưu tiên bố trí kịp thời kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; kinh phí để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển KT-XH. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp khuyến khích phát triển sản xuất, đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng DN, hợp tác xã, hộ SXKD; đồng thời, kêu gọi các DN, hợp tác xã, hộ SXKD tiếp tục nỗ lực, năng động, sáng tạo, linh hoạt tìm giải pháp để vượt qua khó khăn, ổn định, tiếp tục phát triển SXKD, giải quyết việc làm, tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.
Lãnh đạo tỉnh luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của cộng đồng DN trong việc tạo việc làm, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương và sẽ đồng hành cùng DN, hợp tác xã, hộ SXKD vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, đến nay, Hà Tĩnh đã hoàn thành rà soát 3 nhóm đối tượng với 207.546 người thuộc diện xem xét, giải quyết theo chính sách; tiến hành chi trả vào cuối tháng 4 với tổng kinh phí thực hiện 234,972 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh giao cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh đối với những trường hợp khó khăn nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 42.
Theo Baohatinh.vn
Hôm nay : 201
Tháng này : 8174
Tổng truy cập : 93356310