Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường đá nhau, chưa kể là nhiều nghị định quản lý một lĩnh vực cũng không thống nhất.
Cách đây khoảng hai năm, tôi biết một doanh nghiệp (DN) mất tiền oan vì sự chồng chéo của pháp luật.
Vụ đó DN muốn xây một nhà máy thủy điện quy mô nhỏ. Theo quy định của Nghị định 18/2015 thì báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhà máy điện này thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh. Họ đã làm thủ tục và được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Đùng một cái, Bộ TN&MT viện dẫn Nghị định 201/2013 và cho rằng báo cáo ĐTM của nhà máy này thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ chứ không phải của UBND cấp tỉnh.
DN tá hỏa vì mọi thứ đã chuẩn bị xong, chỉ chờ ngày khởi công, nếu phải thực hiện lại toàn bộ thủ tục ĐTM thì mất thêm ít nhất 3-6 tháng. Tiền đã đi vay phải chịu lãi suất, hợp đồng đã ký với các đối tác cũng phải chịu phạt, máy móc đã chuẩn bị giờ lại để phải chờ, DN thiệt hại lớn.
Số là hai nghị định trên đều đề cập đến việc phân định thẩm quyền giữa Bộ TN&MT và UBND cấp tỉnh về phê duyệt báo cáo ĐTM đối với nhà máy thủy điện. Nghị định 18 chia theo mức “thủy điện có dung tích hồ chứa từ 100.000 m3” còn Nghị định 201 lại chia theo “công suất lắp máy từ 2.000 kW”.
Sự không thống nhất giữa hai nghị định này như một cái bẫy làm rất nhiều DN lao đao.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong một lần góp ý dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: TL
Một lần khác, một DN nói với tôi là họ vừa phải nộp đề án đóng cửa mỏ, vừa phải nộp kế hoạch hoàn nguyên mặt đất sau khai thác khoáng sản. Hai tài liệu này giống hệt nhau, chỉ khác nhau cái bìa và được nộp cho hai cơ quan khác nhau, đi kèm với hai lần nộp là hai cái phong bì. DN đó không hiểu vì sao những nhà làm luật không nhập hai thủ tục đó làm một.
Trong công việc của mình, tôi gặp rất nhiều trường hợp như vậy và cũng từng chứng kiến rất nhiều lần các DN sống dở chết dở với những chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật.
Hồi năm 2015, hàng trăm dự án đầu tư tại hàng chục tỉnh bị đình trệ do mâu thuẫn giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư về thời điểm lập báo cáo ĐTM.
Năm 2016, đội xe của hàng trăm DN FDI bị đình đốn hoạt động vận chuyển hàng vì nghị định về vận tải ô tô đã không tính đến xung đột với điều kiện mở cửa thị trường vận tải theo WTO.
Rồi chuyện Luật Đầu tư và Luật Nhà ở xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở.
Luật Đất đai và Luật Đầu tư quy định ngược nhau về việc bố trí khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Một luật cho xây dựng nhà cho người lao động trong khu, một luật lại cấm điều này.
Nguyên nhân thì có nhiều, từ sự phân mảng về quyền lực giữa các cơ quan nhà nước, từ tư duy biện chứng làm luật từ một cái tên cho đến việc thiếu một nhạc trưởng đủ tâm, đủ tầm để thiết kế hệ thống, cho đến cả những nguyên tắc áp dụng pháp luật phù hợp khi có xung đột…
Ở đây tôi muốn đề cập đến nguyên nhân nhức nhối nhất là do mỗi bộ, ngành khi được giao chủ trì soạn thảo luật, nghị định, thông tư đều cố gắng mở rộng tối đa phạm vi quản lý của mình. Mở càng rộng thì quyền càng nhiều, quyền thanh tra, kiểm tra càng lắm.
Nhưng ai cũng mở rộng chỗ đứng của mình thì tức khắc họ sẽ giẫm chân. Tình trạng hiện nay không chỉ đơn thuần là bộ này giẫm chân lên bộ khác mà như ví dụ trên có thể thấy ngay trong một bộ mà các cục, tổng cục cũng sẽ có sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau.
Nếu không giải quyết được vấn đề phân định thẩm quyền tốt thì tình trạng làm luật để vun vén cục bộ vẫn sẽ còn diễn ra. Người chịu trận cuối cùng là người dân và các DN.
NGUYỄN MINH ĐỨC, Ban Pháp chế VCCI
Hôm nay : 0
Tháng này : 8948
Tổng truy cập : 93702361