Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu có chính sách hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Cụ thể, báo cáo tại phiên họp mới đây, đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, ngành đã phối hợp với 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn, khảo sát tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
“Từ kết quả khảo sát đó, sẽ đánh giá phân tích và tổng hợp, tham mưu đề xuất thành phố phê duyệt phương án hỗ trợ về nguồn nhân lực, đào tạo nghề, tư vấn giải quyết việc làm cho lao động mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng và dừng hoạt động”, đại diện Sở LĐTB&XH Hà Nội nói.
Theo vị này, trước mắt, Sở phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội, với các doanh nghiệp có từ 200 lao động mất việc làm trở lên, sẽ tiến hành tổ chức tư vấn, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngay lập tức.
Vị này cũng thông tin, trong bảo hiểm xã hội người lao động đóng có phần bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, khi người lao động bị thất nghiệp, bảo hiểm xã hội sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho người lao động. Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cũng cho biết, toàn bộ những người lao động bị thất nghiệp sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội thanh toán.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung lưu ý, hiện nay châu Âu và Mỹ đã “đóng cửa”, nên các chuỗi cung ứng đã đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất ngay trong tháng 4. Nhiều lao động có thể sẽ mất việc. Vì thế, các đơn vị phải phối hợp với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thống kê các trường hợp thất nghiệp để có chính sách hỗ trợ.
Thành phố giao cho các Cty quản lý nhà, quản lý các khu nhà ở sinh viên, nhà ở cho công nhân để có chính sách hỗ trợ giảm giá thuê nhà. Thành phố cũng sẽ xin ý kiến Thành ủy và HĐND thành phố, tiếp tục hỗ trợ thêm 650 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các hộ nghèo, hộ kinh doanh cá thể, kinh doanh nhỏ vay với lãi suất bằng 0%.
Ông Chung cũng cho biết, hiện đang có các chuyên gia đánh giá toàn diện tác động của Covid-19 lên nền kinh tế. Với lợi thế về sản xuất nông nghiệp, các quận, huyện cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất của vụ xuân trong thời gian tới để cung ứng lương thực, thực phẩm trong dài hạn.
Ông Chung cũng đề xuất, cần suy nghĩ việc tái cơ cấu toàn bộ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố, làm sao nâng cao hiệu quả, chất lượng và năng suất trong thời gian tới. Đặc biệt cần chú ý đến toàn bộ hệ thống cung ứng, chuỗi sản xuất liên quan đến các mặt hàng nông nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trước đó, cũng tại một cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, khủng hoảng do Covid-19 gây ra chưa thể tổng kết được mức độ thiệt hại, nhưng qua đánh giá đầu tiên là gây một chuỗi khủng hoảng về lĩnh vực y tế, con người và về kinh tế. “Về kinh tế có thể kéo dài hết năm 2021 đến 2022. Điều này rất dễ hiểu khi đơn cử như những ngành, các chuỗi cung ứng sản phẩm, công ăn việc làm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều bị ảnh hưởng”, ông Chung nói.
Ông Chung ví dụ các doanh nghiệp may, chuối cung ứng sản phẩm cho thể thao như giày thể thao, dù đã có nguyên liệu đảm bảo cho 70% đơn hàng nhưng không có người nhận vì các nước hiện đang đóng cửa. Các sự kiện văn hóa thể thao trên toàn thế giới cơ bản đều đã dừng, trừ trường hợp Olympic tháng 7 ở Nhật Bản còn đang bấp bênh. Vì thế, toàn bộ chuỗi cung ứng cho thể thao đã cơ bản chấm dứt, thiệt hại đi theo là rất lớn.
Ông Chung đánh giá, nguồn cung từ Trung Quốc bắt đầu phục hồi, nhưng nguồn tiếp nhận ở Châu Âu, Mỹ lại không có trong 1 - 2 tháng tới. “Cho nên nó là khủng hoảng kép của kép và có thể trở thành đại khủng hoảng”, ông Chung đánh giá. Vì thế, Hà Nội sẽ bổ sung, đánh giá thêm tình hình, báo cáo Thường trực Thành ủy, thống nhất về phương án phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo chính xác, kịp thời.
Hôm nay : 885
Tháng này : 30536
Tổng truy cập : 87964337