Việc các doanh nghiệp tiếp cận với chính sách ưu đãi của Chính phủ thực sự mới chỉ dừng lại ở nghe và biết, còn để hiểu rõ, hiểu đúng từ đó có thể chủ động đăng ký hưởng ưu đãi thì còn nhiều hạn chế.
Khoảng cách từ chính sách hỗ trợ đến doanh nghiệp vẫn còn khá xa
Đó là chia sẻ của ông Đinh Hồng Sơn, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần tài chính Thế hệ mới FinanceX khi vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 154/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19.
- Đại dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, thưa ông?
Mặc dù trên các báo chí, phương tiện truyền thông hay đề cập đến các lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất từ COVID-19 như Hàng không, Du lịch, khách sạn, bán lẻ. Cá nhân tôi nhìn nhận, hầu hết các ngành nghề khác cũng sẽ bị ảnh hưởng như một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong đó có lĩnh vực phát triển, gia công phần mềm tại Việt Nam.
Đó là khi các quốc gia phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, đóng kín giao thương với nhau, thị trường cung cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt những doanh nghiệp có thị trường chính ở nước ngoài sẽ chịu thiệt hại không nhỏ, doanh thu sụt giảm, mất đối tác, dự án ngưng trệ và rất dễ đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động tạm thời hay dài hạn.
Tuy nhiên, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như chúng tôi thì hơi khác chút là doanh nghiệp đã tiên lượng và chủ động đối phó với hậu quả do COVID-19 từ rất sớm. Mặc dù không bị thiệt hại quá nghiêm trọng nhưng vẫn có những khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của công ty trong thời gian qua như: Giao thương với các đối tác nước ngoài giảm do đóng cửa hàng không giữa các quốc gia. Các đơn đặt hàng, dự án giữa hai bên cũng giảm hơn 30% so với trước đó, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Một vài dự án mà đối tác và công ty đã đi đến thỏa thuận thậm chí đang triển khai hợp đồng cũng tạm thời dừng lại do đối tác gặp phải vấn đề về tài chính, khả năng thực thi và nhìn nhận tương lai của thị trường và nền kinh tế chung.
Tiếp theo, việc giãn cách xã hội là cần thiết nhưng cũng gây ra những cản trở nhất định khi điều hành công việc và vận hành công ty. Cho dù có nền tảng giao tiếp và làm việc trực tuyến từ rất lâu ngay cả trước khi có COVID-19 thì cũng không dễ để làm quen một sớm một chiều cho toàn hệ thống. Việc ít gặp gỡ, ít giao tiếp cũng ảnh hưởng rất nhiều đến độ tập trung và động lực làm việc của cán bộ nhân viên.
Ngoài ra, doanh nghiệp phần mềm cũng gặp thêm một vấn đề nan giải là chi phí vận hành rất cao bao gồm cơ sở hạ tầng, lương nhân viên, chi phí văn phòng trong khi doanh thu và dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc cắt giảm nhân sự là bất đắc dĩ bởi chi phí để có được một nhân sự “chất lượng cao" trong lĩnh vực này là không nhỏ.
COVID-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phần mềm như chúng tôi, doanh thu từ các thị trường lớn như Hàn quốc, Nhật bản, Indonesia, Singapore, Thái Lan sẽ giảm. Tôi ước lợi nhuận công ty trong năm 2020 sẽ giảm tầm 25-30% so với kế hoạch đầu năm đặt ra.
Để ứng phó, chúng tôi đã phát triển thêm những sản phẩm mới, giải pháp mới để ứng phó với sự thay đổi này. Tôi tin tưởng những dòng sản phẩm mới này sẽ bù đắp sự thiệt hại do mảng sản phẩm hiện tại mang lại.
- Doanh nghiệp đã có những biện pháp nào để tự tháo gỡ khó khăn và duy trì bộ máy hoạt động ?
Thực tế, chúng tôi rất linh hoạt trong hoạt động kinh doanh ngay cả khi chưa có dịch, công ty đã áp dụng hình thức không trả lương theo ngày công mà dựa trên hiệu quả công việc so với mục tiêu đặt ra cho từng cá nhân. Nhân sự làm việc ở công ty được phép lựa chọn khung giờ làm online và đến văn phòng tùy vào thời điểm và tính chất công việc (được gọi là Mobility Working), đây cũng là mô hình làm việc đang được khuyến khích tại nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, khi COVID-19 đe dọa đến nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp thì chúng tôi đã chủ động có các biện pháp thay đổi và ứng phó với thời cuộc.
Thứ nhất, đẩy mạnh làm việc trực tuyến như các công cụ video call, meeting online, OTT,… được dùng tối đa, tuy nhiên việc này cần có quy trình cụ thể chứ không chỉ là đặt ra và dùng một cách tuỳ tiện. Tôi thấy sai lầm của các doanh nghiệp khi nói rằng ứng dụng công nghệ để làm việc trực tuyến là họ chỉ nghĩ đơn giản dùng một cái tool để phục vụ làm việc mà không hay rằng đằng sau đó là phải có cả một nguyên tắc, quy trình thì mới dần giúp cho một tập thể chuyển đổi mô hình hàng ngày offline sang online được.
Thứ hai, tối ưu hoá nguồn nhân lực bằng cách sàng lọc và cắt bỏ các nhân sự không phù hợp với tình hình hiện tại. Cắt bỏ luôn là bài toán khó với nhiều nhà quản lý nhưng quan điểm của tôi là muốn nhân viên hạnh phúc với công ty thì bản thân công ty đó phải tồn tại bền vững để là nơi họ tin tưởng tựa vào.
Thứ ba, thay đổi chính sách nhân sự, công ty luôn chia sẻ và đạt được sự thấu hiểu, cảm thông, đồng hành của nhân viên trong lúc khó khăn, nhân sự sẵn sàng giảm lương cứng và áp dụng chính sách lương mềm hấp dẫn hơn. Phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP để mỗi nhân viên đều có tinh thần làm việc như “sáng lập viên” hay còn gọi là “Founder Mindset”.
Thứ tư, đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các dự án, doanh thu và dòng tiền là ưu tiên số một, là mạch máu để doanh nghiệp tồn tại. Đội ngũ kinh doanh và phát triển thị trường được phép sáng tạo và mở rộng mô hình kinh doanh, các sản phẩm mới đáp ứng nhiều hơn cho thị trường trong lúc dịch bệnh. Đối với tôi câu nói “trong nguy có cơ” luôn đúng, chỉ có điều chúng ta có dám nghĩ, dám làm hay không thôi. Khẩu hiệu của chúng tôi bây giờ là “Nhanh hơn, sáng tạo hơn và táo bạo hơn”.
- Chính phủ hiện đang có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp như giãn thuế, gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất lên tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước,… Vậy doanh nghiệp đã được phổ biến, hướng dẫn và tiếp cận các ưu đãi hay chưa?
Tôi đánh giá rất cao phản ứng nhanh và quyết liệt của Chính phủ thời gian qua để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Mỗi một chính sách ra đời và đến được nhanh nhất sẽ cứu sống hàng nghìn thậm chí hàng vạn tổ chức doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản.
Tuy nhiên cá nhân tôi thấy phương pháp phổ biến, hướng dẫn để các doanh nghiệp tiếp cận nhanh, đúng đến những chính sách này vẫn chưa dễ dàng, mới chỉ dừng lại là nghe và biết, còn để hiểu rõ, hiểu đúng từ đó có thể chủ động đăng ký, tham gia và hưởng ưu đãi thì còn nhiều hạn chế. Khoảng cách từ chính sách hỗ trợ đến doanh nghiệp vẫn còn khá xa.
- Doanh nghiệp có kiến nghị như thế nào với Chính phủ để được hỗ trợ tốt nhất trong hiện tại cũng như giai đoạn sắp tới?
Có lẽ dịch COVID -19 sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Điều này dẫn đến một viễn cảnh không mấy tích cực cho nền kinh tế nước nhà, nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp hiện tại.
Là người đứng đầu một doanh nghiệp, tôi thực sự mong muốn Chính phủ sẽ có nhiều hơn nữa các chính sách sáng suốt, nhanh, kịp thời, minh bạch đến các doanh nghiệp. Tôi có một số đề xuất như sau: Các chính sách của Chính phủ sau khi được chính thức ban hành, cần truyền thông mạnh mẽ xuống đa kênh chính thống, nhưng cần có sự giám sát và đo lường kết quả của việc truyền thông dựa trên số lượng các doanh nghiệp phản hồi và tham gia.
Bên cạnh đó, cần chú trọng vào các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp sẽ thực sự hữu ích và đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối tiếng nói, nguyện vọng, phản hồi của doanh nghiệp với Chính phủ và ngược lại. Đây sẽ là mấu chốt để việc thực thi các quyết sách của Chính phủ có thực sự hiệu quả hay không.
Chính sách cần thiết phải thực thi ngay, nhanh, mạnh mẽ và triệt để, một khi đã ban hành. Tránh việc ban hành nhưng thủ tục rườm rà và cho đến khi thực hiện được thì phần lớn doanh nghiệp đã không còn tồn tại.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Diễm Ngọc (DDDN)
Hôm nay : 799
Tháng này : 23958
Tổng truy cập : 97831428