Giữ quan hệ cho tốt nhưng việc gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội.
Không bao giờ nhân nhượng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
Trước thềm Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm. Tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thông báo nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm.
Đặc biệt, tại cuộc tiếp xúc này, cử tri bày tỏ không đồng tình trước những ý kiến không đúng đắn về vấn đề biển đảo, nhiều thông tin xuyên tạc bịa đặt trên mạng internet, ảnh hưởng tới niềm tin trong nhân dân vào chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề chủ quyền biển đảo.
Lắng nghe chia sẻ của cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, để xử lý tốt mối quan hệ này không đơn giản chút nào, phải tính toán lợi ích quốc gia dân tộc, không nhân nhượng bất cứ điều gì vô nguyên tắc, phải giữ vững nguyên tắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ nhưng phải giữ ổn định để phát triển.
“Đất nước ta có được sự ổn định tốt như thế này, phải giữ lấy nó. Phải cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc. Thái độ của Đảng ta đã tuyên bố dứt khoát, ta rất kiên quyết nhưng cần phải khôn khéo, mềm dẻo, phải xử lý các mối quan hệ hài hòa, biện chứng, toàn diện với con mắt chiến lược... Giữ đất nước yên bình để tiến lên nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền. Giữ quan hệ cho tốt nhưng việc gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Về vấn đề này, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 Khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.
Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông được thể hiện rõ ràng, nhất quán, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã trả lời cụ thể trước cử tri. Thế nhưng, ngay sau cuộc tiếp xúc nói trên, đã xuất hiện những bài viết, thông tin sai lệch của các đối tượng xấu, họ cố tình bóp méo, đẩy vấn đề sang hướng khác để lên án Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông.
Trang RFA tiếng Việt đưa bài viết nói rằng, tại cuộc tiếp xúc này, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã “chỉ trích những tiếng nói yêu nước ngoài Đảng”. Một số trang mạng đã chia sẻ lại bài viết này và có những lời bình tiêu cực. Thực tế, đây là nội dung hoàn toàn sai lệch, bịa đặt, họ cố ý hướng lái vấn đề nhằm gây phân tâm, chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nhân dân.
Quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng như quan điểm của Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế, xã hội cũng như giữ vững an ninh, quốc phòng, không phân biệt thành phần, tầng lớp, không phân biệt trong hay ngoài đảng. Lòng yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta, người dân đều có quyền và nghĩa vụ thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình đối với đất nước.
Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để lại cho chúng ta những bài học lịch sử hết sức quý báu, đó là bài học nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bài học sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bài học không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Vấn đề là cần tỉnh táo để lòng yêu nước, tiếng nói và hành động yêu nước đúng nghĩa, giúp ích với đất nước. Nếu nhận thức sai lệch, bị kẻ xấu lợi dụng để làm điều sai trái thì lòng yêu nước, tiếng nói yêu nước ấy đi sai lối, gây hại cho đất nước, cho nhân dân. Hiện, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội đang triệt để lợi dụng vấn đề chủ quyền biển đảo, lợi dụng lòng yêu nước và nhận thức không đầy đủ của một bộ phận người dân để kích động, chống phá.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri TP Hà Nội trước thềm Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV.
Thủ đoạn của các đối tượng là thổi phồng sự thật, mục đích nhằm gây hoang mang trong dư luận. Dựa trên hành động vi phạm chủ quyền biển đảo của tàu Trung Quốc tại Biển Đông, nhất là hành động xâm phạm thềm lục địa Việt Nam, các đối tượng tung ra thông tin, hình ảnh thất thiệt, đưa ra bình luận cho rằng tình thế chủ quyền hết sức cấp bách, nguy cơ xung đột chiến tranh, rung dọa “vận mệnh dân tộc” nguy nan...
Việc thổi phồng thông tin là kế “rung cây” khiến người dân hoang mang lo lắng, gây tâm lý bất an, thậm chí hoảng loạn trong xã hội. Từ việc “rung cây”, các đối tượng cho rằng tình thế cấp thiết, nguy nan thì không gì khác, phải có hành động cứng rắn để bảo vệ chủ quyền. Bằng việc viện dẫn sai lệch chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước, chúng phê phán các quyết sách của Đảng, Nhà nước là mềm yếu, hèn nhát, là nhân nhượng trước đối phương.
Bằng việc nhân danh góp ý, hiến kế, chúng lợi dụng tình hình này để bác bỏ đường lối đối ngoại, đường lối quốc phòng, phê phán đường lối quốc phòng “3 không” là lạc hậu, lỗi thời, đòi hỏi phải theo nước này để chống lại nước kia, phải dựa vào “đồng minh” để giữ chủ quyền biển đảo. Đồng thời, từ chỗ phê phán, đả kích đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề Biển Đông, các đối tượng kích động vào lòng yêu nước của người dân, cho rằng để tránh họa xâm lăng, bảo vệ nước nhà thì không trông chờ vào sự lãnh đạo nào cả, người dân phải tự bảo vệ lấy, phải đứng lên, phải xuống đường, tuần hành, biểu tình..., đích cuối cùng là nhằm làm suy yếu, tan rã chính quyền, sụp đổ chế độ.
Sự kích động này rất nguy hiểm bởi với những người yêu nước nhưng thiếu hiểu biết, thiếu thông tin có thể bị luồng thông tin này hướng lái, dẫn tới những hành động sai trái, nguy hại như từng xảy ra năm 2014.
Bởi vậy, trao đổi với cử tri TP Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, nguyên tắc là bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước có sự ổn định tốt như thế này, phải giữ lấy.
“Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu vấn đề và lưu ý không phải cứ nói mạnh, làm liều mới là yêu nước. Điều quan trọng là làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập, thế mới là giỏi.
“Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ngay sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng ta đã xác định đường lối chung để lãnh đạo cách mạng là: “Không ngừng nâng cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và XHCN” (Văn kiện Đại hội lần thứ IV của Đảng). Từ đó đến nay, trong cương lĩnh, các nghị quyết, chỉ thị, Đảng ta luôn thống nhất cao quan điểm xây dựng Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam cùng với các chiến lược khác để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong vấn đề Biển Đông, quan điểm của Việt Nam là rõ ràng: Vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phản đối những việc làm thay đổi nguyên trạng, đặc biệt là việc tôn tạo đảo phục vụ cho việc mạo nhận chủ quyền và khống chế quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, Việt Nam tái khẳng định các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, phòng ngừa rủi ro trong các hoạt động trên Biển Đông.
Nguyên tắc độc lập, tự chủ, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, cùng với chính sách “Không tham gia liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia” là đường hướng chiến lược, đó không chỉ là kinh nghiệm quý của cách mạng Việt Nam mà còn là truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, của lực lượng vũ trang cách mạng. Đây còn là cơ sở chính trị cho hợp tác quốc tế nói chung.
An Nhi
Hôm nay : 807
Tháng này : 8781
Tổng truy cập : 93675374