Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao loạn giá máy Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19? Giá nào là thực, giá nào bị thổi, giá nào có thể bị… bắt giam như trường hợp của PGS-TS-BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội?
Ngày 23-4, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được hành vi sai phạm của bị can Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm trong việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm Realtime PCR. Theo đó, các bị can này có hành vi móc ngoặc, thổi giá thiết bị vật tư y tế. Các bị can đã nâng giá gấp 3 lần giá nhập, khoảng 2,3 tỉ đồng lên 7 tỉ đồng khi bán cho CDC Hà Nội.
Máy PCR của Quảng Trị mua 1,45 tỉ đồng! Ảnh: Thanh Lộc
Lập tức, như hiệu ứng domino, nhiều địa phương khác cũng đã hoặc đang đặt mua thiết bị PCR với giá cao bị đặt nghi vấn! Như Hải Phòng mua máy này với giá 10 tỉ, Quảng Ninh 8,4 tỉ, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình 7,9 tỉ, Quảng Nam 7,2 tỉ; một số tỉnh lân cận Hà Nội mua với giá 6,2 tỉ…
Nói chung, hệ thống máy PCR, mỗi địa phương mua mỗi giá khác nhau, có giá bất thường và rất cao!
Ngược lại, tỉnh Quảng Trị mua loại máy này có giá rất rẻ! Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng, hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 của Quảng Trị mua có giá chỉ 1,45 tỉ đồng, có cấu hình thấp và 1 máy tách chiết mẫu tự động với giá 650 triệu đồng. Máy có năng lực xét nghiệm 200 mẫu/ngày, do Mỹ sản xuất.
Sau thông tin này, nhiều địa phương đã mua máy PCR với giá cao bỗng "giật mình". Có địa phương tìm cách "ứng phó", lộ liễu như các tỉnh lân cận Hà Nội mua máy PCR với giá trên 6 tỉ đồng, nay "đàm phán" lại, giảm xuống còn 5,4 tỉ đồng!
"Ứng phó" thô thiển như Quảng Ninh, từ việc mua máy với giá trên 8,4 tỷ đồng, sau khi "bị động" bèn ký "phụ lục hợp đồng", giảm xuống còn 7 tỉ đồng. Ngày 19-3, Sở Y tế tỉnh này đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng cho bên trúng thầu nhưng hôm 21-4 bên trúng thầu đã hoàn trả lại 4,2 tỉ đồng này. Ngày 23-4, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết họ mua thiết bị này với giá 5,2 tỉ đồng!
Ứng phó kiểu đó không khác gì "lạy ông tui ở bụi này"!
Nhiều tình khác "ứng phó" khôn ngoan hơn, từ việc có thể đã mua hoặc đã ký hợp đồng, nay chuyển sang "mượn" máy PCR để "dùng thử" như Hải Phòng, Bắc Giang, Bệnh viện Phổi trung ương, Lào Cai…
Chiêu "mượn máy dùng thử" lập tức bị dư luận đặt nghi vấn. Trước những ý kiến nghi vấn Hải Phòng đã mua hệ thống máy PCR với giá 10 tỉ đồng nhưng nay lại có văn bản "mượn máy" nhằm đối phó khi "bị động", bà Phạm Thu Xanh - giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - cho rằng không có chuyện đó!
"Mượn" hay mua với giá cao, thậm chí rất cao, chỉ có bên A và bên B (mua và bán) biết. Cơ quan thanh tra, điều tra cũng dễ dàng xác định được việc mua hay "mượn" bởi kiểu đối phó đó rất thô!
Dư luận đặt câu hỏi: vì sao "loạn giá" máy PCR? Giá nào là thực, giá nào bị "thổi", giá nào thì có thể bị… bắt giam như trường hợp của giám đốc CDC Hà Nội?
Về lý do mỗi nơi một giá, một doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế cho biết, hệ thống PCR không chênh lệch giá nhiều giữa các nhà cung cấp, nhưng thiết bị tách chiết thì chênh lệch tùy theo số lượng "giếng", tức số mẫu có thể thực hiện mỗi lần, tương ứng là 24, 36 hay 96 "giếng".
Cũng theo nhà cung cấp trên, giá cả của PCR cũng tùy thuộc vào thời điểm mua, trước đại dịch khác, trong đại dịch càng khác và đôi khi rất khó mua, thậm chí không thể mua được vì nhiều lý do. Do vậy giá cả hệ thống máy PCR cũng khác nhau là chuyện bình thường.
Vậy mua máy PCR với giá nào là có thể… vào tù? Đơn giản nếu có sự móc ngoặc, câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, nếu phát hiện thì phạm pháp, vào tù!
Đó là lý do vì sao nhiều địa phương "giật mình" sau cú ngã ngựa của giám đốc CDC Hà Nội!
Theo Bộ Tài chính, đến nay số tiền ngân sách trung ương đã chi cho các địa phương chống dịch là khoảng 3.000 tỉ đồng và có cả ngân sách địa phương. Đó là số tiền rất lớn, dễ bị thất thoát, vì vậy theo đề nghị của Bộ Công an, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, các tỉnh thành khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, đặc biệt là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế…
Vụ CDC Hà Nội có thể chỉ là một vụ tham nhũng điển hình trong đầu tư công. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm việc để chỉ mặt chính xác những địa chỉ tham nhũng đầu tư công trên lĩnh vực y tế, đặc biệt tham nhũng ngân sách chống dịch thì tội ác càng lớn, càng phải được trừng trị thích đáng!
Bài học tham nhũng đầu tư công ngay trước mắt, khi mới tức thì, ngày 28-4, nguyên giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cùng 10 cán bộ của sở này bị khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng trong đấu thầu mua thuốc chữa bệnh!
Lưu Nhi Dũ (Baomoi.com)
Hôm nay : 0
Tháng này : 3316
Tổng truy cập : 84395582