Với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhất là các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA), nông nghiệp đã vươn lên với sự thay đổi vượt bậc trong năng lực sản xuất của doanh nghiệp và nông dân, từng bước tạo tiền đề quan trọng trong liên kết chuỗi, hướng đến phát triển bền vững.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay (26/6), tại Hà Nội.
Không có giới hạn nào cho sản xuất
Xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại hàng nông sản thông qua việc ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA thế hệ mới (FTAs), sẽ giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan; đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường.
Trong số 12 FTAs Việt Nam đã ký kết và 4 Hiệp định đang đàm phán và chuẩn bị ký kết, có 2 FTAs được tập trung thảo luận tại Hội nghị là Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Trong đó, CPTPP có hiệu lực thực thi đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019; còn EVFTA đã kết thúc đàm phán và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để ký kết. Hai FTAs này có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng.
Thông tin chung về CPTPP và EVFTA, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Đa Biên (Bộ Công Thương) – cho biết, CPTPP là Hiệp định thương mại quan trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với 11 quốc gia, chiếm 11,5% tổng kim ngạch toàn cầu. CPTTP với nhiều cam kết trong cắt giảm thuế quan, cam kết nguồn gốc xuất xứ, cam kết SPS và TBT, cam kết đầu tư, cam kết sở hữu trí tuệ và các cam kết khác, CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Đối với Hiệp định EVFTA, hiện Việt Nam và EU đang nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục cuối cùng để sớm ký kết và phê duyệt Hiệp định. Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh – cho biết: Với 16 FTA cả song phương và đa phương đã được ký kết, trong số đó, có nhiều FTAs với những đòi hỏi, yêu cầu chuẩn mực rất cao, tác động trực tiếp sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh của quốc gia, quản trị của quốc gia, chính sách phát triển kinh tế, xã hội… Tác động của hội nhập đi vào cuộc sống, không chỉ đi vào Bộ, ngành địa phương mà còn tác động đến từng doanh nghiệp, từng người dân, sản xuất trong nước trong đó có ngành nông nghiệp và nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các FTA” |
Đáng chú ý, với hội nhập quốc tế, Việt Nam đã chuyển từ bị động sang chủ động. Do đó, đã có những chuyển biến quan trọng cả về cơ cấu phát triển, chất lượng phát triển kinh tế cũng như chiến lược đối ngoại, trong đó, lấy nền tảng là đa phương hóa, đa dạng hóa. “Minh chứng thành công trong hội nhập của Việt Nam có thể lấy ví dụ từ chính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhất là các thị trường có FTA, nông nghiệp đã vươn lên, chứng kiến sự thay đổi vượt bậc, trong năng lực sản xuất của doanh nghiệp và nông dân từng bước tạo tiền đề quan trọng trong liên kết chuỗi”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Với vị thế là nước đứng đầu trong các sản phẩm nông sản sản xuất và xuất khẩu như: cà phê đứng thứ 2 thế giới, gạo đứng thứ 3 thế giới, thủy sản đứng thứ tư thế giới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không có giới hạn cho năng lực sản xuất nếu chúng ta có thể tận dụng tối đa cơ hội về thị trường và có được điều kiện để tái cơ cấu, đưa công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hữu cơ và gắn với việc hình thành phát triển các chuỗi giá trị. Các FTA chính là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là ngành nông nghiệp Việt Nam.
“Trong tất cả các ngành kinh tế lớn của Việt Nam có giá trị xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD thì nông nghiệp chiếm một phần lớn. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn gặp nhưng trở ngại về chất lượng, năng lực cạnh tranh, công nghệ chế biến để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia các FTA. Do đó, chúng ta còn nhiều dư địa để triển khai công tác nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh của thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa đơn phương và đã trực tiếp đe dọa đến năng lực sản xuất, khả năng lực cạnh tranh và thâm nhập thị trường của sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, việc ký kết các FTA trong đó, Hiệp định CPTPP và tới đây EVFTA sẽ ký kết vào 30/6/2019 sẽ là nền tảng cho hội nhập của Việt Nam; giúp Việt Nam khẳng định được thế đứng, vị thế của mình, để chúng ta có thể hội nhập thành công hơn nữa, tạo ra công cụ cho các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có nông nghiệp tái cơ cấu, đổi mới sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và thị trường toàn cầu hóa. Cạnh đó, điều kiện thuận lợi nhất không chỉ đến từ cắt giảm thuế quan mà còn có điều kiện thực thi chính sách phát triển tại các thị trường, đảm bảo môi trường bình đẳng, lành mạnh mà các quốc gia tham gia hội nhập cùng cam kết thực hiện. Đồng thời, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động, mô hình sản xuất nông nghiệp.
Bức tranh không chỉ có "màu hồng" Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong hội nhập, không phải tất cả đều là bức tranh màu hồng. Cụ thể như: Gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn; áp lực cạnh tranh sẽ làm một số ngành có thể bị thu hẹp sản xuất như chăn nuôi lợn, mía đường; nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền xuất khẩu hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các quy định SPS/TBT tại các thị trường khó tính như Nhật và các nước EU khi sản xuất trong nước chưa được quản lý chặt chẽ vấn đề vệ sinh ATTP;...Rất nhiều áp lực, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân và thành tố trong xã hội. Do đó, đòi hỏi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ban ngành trong việc xây dựng chính sách và thực thi pháp luật để đảm bảo hiệu quả cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đây là mục tiêu xuyên suốt. “Cần hơn thế nữa sự vào cuộc của các địa phương, nhóm ngành hàng để Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành khác có điều kiện tiếp cận để bàn thảo, thảo luận các công việc cần triển khai, trách nhiệm của mỗi bên. Bộ Công Thương sẽ là đầu mối của Chính phủ trong việc kiểm tra đôn đốc thực hiện các FTAs, với tinh thần tương tác 2 chiều, lắng nghe nhiều chiều cả tích cực, tồn tại bất cập, từ đó có giải pháp kịp thời, hiệu quả”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, tổng GDP của thị trường CPTPP và EVFTA là hơn 30% GDP toàn cầu, tổng giao dịch thương mại khoảng 35% thương mại toàn cầu, hết sức lớn. Đây là cơ hội nhưng ngược lại cũng rất nhiều thách thức và rủi ro mà không nỗ lực thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội và mất ngay thị trường sân nhà Việt Nam. “Nói về con cá ngừ đại dương con cá ngừ điển hình của Việt Nam với trọng lượng 337 kg cuối cùng bán được 37 triệu, một con cá ngừ đại dương của Nhật bản 270kg quy về tiền Việt Nam bán được 70 tỉ đồng, đó là đẳng cấp trình độ kinh tế, trình độ kinh tế, nó là tiêu chuẩn, quy chuẩn, cách thức, kỹ năng hội nhập. Chúng ta phải nhận dạng thật rõ, khối lượng nông sản Việt Nam sản xuất hiện nay là quá nhiều nhưng giá trị quá ít, chuỗi bây giờ phải kết cấu lại và phải đồng bộ, cả của Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và toàn dân...", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đông đảo doanh nghiệp, hiệp hội các Bộ, ngành tham dự Hội nghị |
Tại Hội nghị, các hiệp hội, ngành hàng, địa phương đã cùng trao đổi, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn lên tầm cao mới, cạnh tranh quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi về nhận thức, tư duy trong hội nhập, đồng thời cải cách thể chế và chính sách để tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và đảm bảo tuân thủ các cam kết. Trong đó, cách tiếp cận và thực hiện phải hướng tới phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi về môi trường để lấy kinh tế.
Nguyễn Hạnh - Vũ Cương
Hôm nay : 758
Tháng này : 30456
Tổng truy cập : 87962999