(Chinhphu.vn) - Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, AgriBank cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5% một năm, đặc biệt cho doanh nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong đại dịch COVID-19. Đặc biệt, các ngân hàng cũng đang nỗ lực triển khai cơ cấu lại nợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu, |
Đây là nội dung thông tin tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM) vừa qua.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất VND đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng bởi dịch. Tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng.
Thời gian tới, ngân hàng này sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5-5% một năm.
Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này.
Ông Phạm Hoàng Đức - Chủ tịch Agribank cho biết đã yêu cầu các chi nhánh giảm lãi 1%/năm đối với vay nội tệ và 0,5%/ năm đối với vay ngoại tệ.
Agribank cũng có văn bản đưa ra gói ưu đãi lãi suất quy mô khoảng 100 nghìn tỷ đồng, dự kiến triển khai từ 1/4/2020. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, Agribank cam kết sẽ cùng với các ngân hàng thương mại triển khai các cơ chế, chính sách trong đó hỗ trợ giảm lãi suất thêm 2%/năm đối với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 như hiện nay.
Ông Phạm Hoàng Đức, Chủ tịch HĐQT Agribank. |
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết: Từ 31/3, ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2% đối với các doanh nghiệp, người dân, và có thể cao hơn 2%/năm đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.
Từ thời điểm công bố dịch (23/2) đến hết tháng 3, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay 0,5-1,5% một năm cho gần 3.000 khách hàng với tổng dư nợ 60.000 tỷ đồng.
Không chỉ giảm lãi suất, lãnh đạo VietinBank cho hay, theo thống kê đến thời điểm này, có khoảng 4000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ tín dụng trên 200 nghìn tỷ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng. Trong số này, nhiều khách hàng đã chủ động được trong thời gian trước mắt để trả nợ. Tuy nhiên có hơn 400 khách hàng với dư nợ tín dụng gần 20 nghìn tỷ đồng gặp khó khăn, VietinBank đã cơ cấu được 350 khách hàng với dư nợ 18 ngàn tỷ đồng.
Còn ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay: Ngân hàng đã cơ cấu giảm nợ cho 3.300 khách hàng, đồng thời miễn giảm lãi các dư nợ cũ từ 0,5 đến 1,2%/năm. Ngân hàng cũng đã chuẩn bị gói tín dụng 125.000 tỷ đồng để giải ngân cho khách hàng vay vốn trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho khách hàng đến sau 3 tháng ngày Chính phủ công bố hết dịch. Các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành nghề rất nặng như vận tải, hàng không, khách sạn, du lịch, dịch vụ ăn uống... sẽ được ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2%/năm đối với VNĐ, 0,5-1% đối với USD.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao về động thái cắt giảm lãi suất của các NHTM.
Lãnh đạo NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại đã dự kiến đưa ra những gói sản phẩm, chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp... cần công bố, triển khai thực hiện ngay. Toàn ngành ngân hàng cần có sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đề nghị đầu mối cơ quan quản lý của NHNN thực hiện: Tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc triển khai thực hiện của các tổ chức tín dụng (TCTD); giám sát việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19; các quy định về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử và các văn bản pháp luật liên quan khác, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế chính sách để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho TCTD và khách hàng trong quá trình triển khai thực tế.
Dịch COVID-19 đang tác động mạnh tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp hộ kinh doanh của Việt Nam. Trên thực tế, chính các NHTM thực chất cũng hoạt động như các doanh nghiệp và cũng không nằm ngoài vòng xoáy này vì nhiều khách hàng vay vốn bị thiệt hại, tình hình kinh doanh đi xuống.
Theo báo cáo của NHNN nhận được, ước tính sơ bộ khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn bởi dịch như nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục.
Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank |
Đại diện một số ngân hàng cũng đã có một số kiến nghị với cơ quan quản lý. Cụ thể, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank khẳng định, các TCTD luôn xác định đồng hành chống dịch nhưng rất cần sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan, cụ thể là Bộ Tài chính.
Các chính sách về hoãn, giãn, thuế, giảm phí với doanh nghiệp cũng cần tính tới các ngân hàng, bởi các TCTD bản chất cũng là doanh nghiệp kinh doanh, cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “Các cơ quan quản lý hãy coi TCTD là doanh nghiệp, ngân hàng có khỏe mới đồng hành, chia sẻ hiệu quả với các doanh nghiệp”, ông Nghiêm Xuân Thành nói.
Hôm nay : 1691
Tháng này : 31343
Tổng truy cập : 87979509