Ngân hàng (NH) giảm lãi suất, hỗ trợ các gói vay ưu đãi nhằm “cứu” doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhưng không ít DN than “rất khó tiếp cận”.
5 lần 7 lượt bị từ chối
Ông Nguyễn Xuân T, chủ cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở H.Hóc Môn (TPHCM) than thở, mặc dù không nằm trong nhóm du lịch, dệt may nhưng từ khi có dịch COVID-19, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở đều đình trệ. “Tôi vay NH gần 600 triệu đồng, lãi suất 13%/năm để mua nguyên liệu, máy móc. Mỗi tháng tôi trả tầm 8 triệu cả gốc lẫn lãi. Đầu tháng 4/2020, nhiều NH thông báo giảm lãi suất cho vay nhưng khi hỏi nhân viên NH, thì họ bảo đang chờ lãnh đạo phê duyệt, khi nào có sẽ thông báo”.
Bà Lê Thanh Trà, Giám đốc Công ty XNK Thanh Trà (H.Củ Chi- TPHCM) chuyên xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc cũng than trời khi 5 lần 7 lượt vẫn chưa tiếp cận được chế độ ưu đãi từ NH. Nguyên nhân NH đưa ra là các gói vay trước đây của bà Trà đều đã được ưu đãi lãi suất 7%/năm nên không được giảm thêm. “Thực sự DN rất khó khăn, hàng hóa đình trệ, trong đó cả chục công nhân vẫn phải trả lương đều đặn, nợ NH vẫn thanh toán… Tôi xin NH cho được trả chậm, giãn nợ thì được khuyến cáo có nguy cơ bị xếp vào nhóm nợ xấu, sau này sẽ khó tiếp tục vay vốn” - bà Trà cho hay.
Nhiều DN đóng cửa do kinh doanh ế ẩm vì dịch COVID-19
Ông Nguyễn Hữu Duy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vạn Thiên Sa chuyên sản xuất chăn, ga, gối, nệm cho hay: “Chúng tôi làm đơn xin NH giảm thuế từ rất sớm do kinh doanh rất khó khăn. Mặc dù là đối tác lâu dài nhưng muốn được giảm thuế, NH cũng xét duyệt nhiều điều kiện như không có nợ xấu, khách hàng VIP, khách hàng thân thiết lâu năm, đánh giá khả năng hồi phục… Theo tôi biết, không phải DN nào cũng được hưởng lãi suất ưu đãi giảm “kịch trần”, mà là do NH quyết bao nhiêu thì mình được giảm bấy nhiêu”.
Muốn giảm, phải xét
Từ ngày 1/4, hàng loạt NH thương mại dồn dập thông báo các gói giảm lãi suất, như Vietcombank giảm ở mức 2-2,5%/năm. Lãi suất cho vay sau khi giảm sẽ từ 4,5- 5%/năm, thấp hơn so với lãi suất huy động; giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5%/năm; VietinBank cũng giảm lãi suất cho vay từ 2 - 2,5%/năm, trước hết đối với các lĩnh vực thiết yếu…
Tuy nhiên, nhiều DN cho biết không dễ tiếp cận. Tùy theo NH có tiêu chí riêng mà DN được xét giảm hoặc không. Đại diện một NH có chi nhánh ở Q.3 cho hay, không phải DN nào cũng được giảm lãi, cơ cấu nợ mà NH sẽ xét theo từng trường hợp cụ thể. Khách hàng phải kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch, trước đó không có nợ xấu, khoản vay của DN chưa được ưu đãi lãi suất. Nếu đã ưu đãi lãi suất thì NH sẽ không xét giảm nữa. Về cơ cấu, NH sẽ chỉ cơ cấu gốc cho DN trong thời gian 3-6 tháng, chứ không cơ cấu lãi vì ảnh hưởng đến lãi dự thu.
Vị đại diện này cũng chia sẻ, cái khó của NH khi cơ cấu nợ là không được tính lãi dự thu. Chi phí lương nhân viên, thuê hội sở, huy động vốn… vẫn phải chi trong khi lãi không được tính, nên nếu cơ cấu nợ đại trà NH khó tránh khỏi nguy cơ bị lỗ.
Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực vượt khó “cứu” DN của ngành NH, tuy nhiên TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế lưu ý, việc hạ lãi suất chưa đủ để đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Theo ông, việc giảm lãi suất điều hành chỉ tác động vào thị trường, trong khi đó vấn đề của nền kinh tế không phải chỉ ở nền kinh tế tiền tệ mà còn nằm ở nền kinh tế hàng hóa, mà thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ.
“Tôi cho rằng các biện pháp về chính sách tiền tệ chỉ là biện pháp hỗ trợ, cần sự trợ lực của chính sách tài khóa, thông qua các gói hỗ trợ nhanh, mạnh nhằm giúp DN đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 có thanh khoản để trang trải chi phí, trả tiền cho đối tác, trả lương, trả lãi vay…” - ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Hỗ trợ DN vượt khó còn “trên nóng dưới lạnh”
Mới đây, Hội DN trẻ Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm “giải cứu” DN gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19. Trong đó, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội cho rằng, hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” khi Chính phủ và các Bộ, ngành rất quyết liệt về việc hỗ trợ DN, nhưng khâu thực thi còn chậm so với kỳ vọng của DN.
Ông Hồng Anh cho biết: “Bản thân tôi cũng đi vay, có NH làm liền, cũng có nơi “ngâm” hồ sơ, lơ luôn hoặc nếu cho vay thì biên độ giảm mà mình không biết họ dựa vào tiêu chí gì. Đi vay cũng phải tác động đến lãnh đạo NH, họ mới gọi đến chi nhánh, xem xét hồ sơ nhanh mới được hỗ trợ chứ không đơn giản bởi các chi nhánh cũng có chỉ tiêu, hiệu quả kinh doanh…”.
NH cần rõ ràng và minh bạch thì các DN nhỏ và vừa mới có cơ hội tiếp cận, còn không sẽ nhiêu khê và khi NH thẩm định, họ sẽ đưa ra các điều kiện sẽ rất khó để vay. “Sức khoẻ” DN bây giờ tính bằng ngày, không còn tính bằng tháng nữa nên biện pháp thiết thực nhất là giảm, giãn nợ để không sợ bị nhảy nhóm, những giải pháp này phải nhanh chóng để áp dụng ngay vào thực tiễn cứu DN” ông Đặng Hồng Anh khuyến nghị.
Theo Tienphong.vn
Hôm nay : 0
Tháng này : 3305
Tổng truy cập : 84391677