Nhận tiền, quà tặng sai quy định phải nộp vào ngân sách Nhà nước; Phạt 3 triệu đồng nếu ép khách du lịch mua hàng. Xe du lịch không có rèm che nắng bị phạt đến 5 triệu đồng; Cấm luyện tập, thi đấu thể thao khiêu dâm. Lăng mạ người khác khi chơi thể thao bị phạt đến 20 triệu đồng; Phổ biển cây trồng ở vùng khó khăn phải chuyển giao công nghệ; Phạm nhân gia cảnh khó khăn sẽ được ưu tiên đề nghị đặc xá; phạm nhân cứu được tài sản trên 50 triệu đồng trong thiên tai có thể được đặc xá; Lương hưu, trợ cấp BHXH của cán bộ xã tăng hơn 7%; Cách chức người đứng đầu để bố, vợ, chồng làm kế toán trong đơn vị mình quản lý … là những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận quà sai quy định phải nộp vào ngân sách.
1. Phải nộp “phong bì” vào ngân sách Nhà nước
Từ 15/8, Nghị định 59/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng sẽ có hiệu lực. Nghị định 59 điều chỉnh về trách nhiệm giải trình; đánh giá công tác chống tham nhũng; kiểm soát sung đột lợi ích…
Đáng chú ý, nghị định yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân có chức vụ quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng phải từ chối đồng thời báo cáo bằng văn bản về người, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà, giá trị quà tặng; hoàn cảnh cụ thể khi được tặng quà…
Với quà tặng bằng tiền hoặc vật có thể bán, quy ra tiền, chủ thể nhận quà phải nộp ngân sách Nhà nước. Trường hợp quà tặng là sinh vật hoặc thực phẩm tươi sống, chủ thể được nhận phải căn cứ tình hình và quy định về xử lý tang vật trong vi phạm hành chính để xử lý.
2. Phạt 3 triệu đồng nếu ép khách du lịch mua hàng. Xe du lịch không có rèm che nắng bị phạt đến 5 triệu đồng
Nghị định 45/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch sẽ có hiệu lực từ 1/8/2019.
Việc chèo kéo khách du lịch mua hàng bị nghiêm cấm.
Theo Điểm a, Khoản 3 Điều 6 của Nghị định 45, các hành vi bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng gồm tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; phân biệt đối xử với khách du lịch; không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Cùng nhóm với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh này, một số hành vi khác cũng có thể bị xử phạt như:
Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng nếu thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch; ; bán hàng không thông tin rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa hay bán không đúng giá niêm yết, không giải quyết kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý; thu lời bất chính từ khách du lịch...
Nếu không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng … Điểm/khu du lịch không tổ chức thu gom và xử lý rác thải hoặc không có nhà vệ sinh công cộng sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
Các mức phạt nêu trên sẽ cao gấp hai lần nếu hành vi do tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, các hộ kinh doanh có hành vi không niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng
Xe 9 chỗ chuyên phục vụ khách du lịch. Ảnh: Bảo Khánh. |
Lần đầu tiên quy định xử phạt các vi phạm vận tải hành khách bằng đường bộ và đường thủy. Theo đó, ôtô vận tải khách du lịch từ 9 chỗ trở lên không có thùng chứa đồ uống hoặc không có dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng; không có rèm cửa chống nắng, không có thùng đựng rác... sẽ bị phạt tiền 3 đến 5 triệu đồng.
Đơn vị sử dụng nhân viên phục vụ khách du lịch không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định cũng sẽ bị phạt tiền 5 đến 10 triệu đồng.
3. Cấm luyện tập, thi đấu thể thao khiêu dâm. Lăng mạ người khác khi chơi thể thao bị phạt đến 20 triệu đồng.
Nghị định 46/2019/NĐ-CP ngày 27/05/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ ngày 1/8/2019, theo đó, mức phạt tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định này là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Trong đó, Chính phủ quy định hành vi sử dụng chất kích thích hoặc bao che, tổ chức cho vận động viên dùng chất kích thích sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
Hành vi chơi thô bạo trong thể thao sẽ bị phạt tiền.
Hành vi sử dụng bài tập, môn thể thao hoặc phương pháp luyện tập, thi đấu các môn thể thao khiêu dâm, đồi trụy; gây nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe… có thể bị phạt tiền từ 5 – 15 triệu đồng; tịch thu tài liệu, thiết bị liên quan.
Tiếp đến, Nghị định 46 thể hiện hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa khi tham gia hoạt động thể thao có thể bị xử phạt từ 15 – 20 triệu đồng và phải xin lỗi công khai.
Người có hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt từ 20 – 25 triệu đồng; cấm tham dự các giải đấu từ 3 tháng đến 6 tháng và buộc công khai xin lỗi.
4. Phổ biển cây trồng ở vùng khó khăn phải chuyển giao công nghệ
Đây là quy định tại Nghị định 51/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Cụ thể, hành vi thực hiện chương trình, dự án phổ biến giống cây trồng, vật nuôi hoặc công nghệ nuôi trồng, bảo quản… cho vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn khó khăn nhưng không có nội dung chuyển giao công nghệ sẽ bị xử phạt từ 12 – 20 triệu đồng.
Nghị định 51 quy định thêm, sẽ phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng với hành vi không đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; phạt từ 1 – 2 triệu đồng với hành vi nộp hồ sơ, tài liệu phục vụ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có số liệu, nội dung sai sự thật.
Nghị định 51/2019 có hiệu lực thi hành từ 1/8.
5. Phạm nhân là lao động duy nhất có thể được đặc xá. Phạm nhân cứu được tài sản trên 50 triệu đồng trong thiên tai có thể được đặc xá…
Ảnh: Minh họa
Theo Nghị định 52/2019 của Chính phủ, điều kiện được đề nghị đặc xá gồm người bị kết án có nhiều tiến bộ, cải tạo tốt; đã hoàn thành nghĩa vụ dân sự trong vụ án hoặc chưa thi hành nghĩa vụ dân sự nhưng chỉ còn ít tài sản, thu nhập đảm bảo cuộc sống tối thiểu…
Ngoài ra, người bị kết án nhưng lập công lớn trong thời gian chờ đưa “vào tù” hoặc đang chấp hành án phạt tù cũng có thể gửi đơn xin đặc xá. Lập công lớn có thể hiểu gồm có hành động giúp phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản giá trị 50 triệu đồng trở lên trong thiên tai, hỏa hoạn; có phát minh, sáng kiến giá trị lớn…
Những người đang mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên đau ốm mà không tự phục vụ được bản thân; người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình… cũng thuộc đối tượng được đặc xá.
Nghị định 52/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá có hiệu lực thi hành từ 1/8.
6. Lương hưu, trợ cấp BHXH của cán bộ xã tăng hơn 7%
Thông tư 09/2019/TT-BNV và Thông tư 10/2019/TT-BLĐTBXH có hiệu lực lần lượt vào ngày 1 và 15/8, quy định mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của những người thuộc diện sau sẽ tăng 7,19%:
Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH của cán bộ xã nghỉ việc.
Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
7. Cách chức người đứng đầu để bố, vợ, chồng làm kế toán trong đơn vị mình quản lý
Nghị định 59/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 15/8, nêu rõ các mức kỷ luật với hành vi vi phạm Luật phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, sẽ kỷ luật cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị cách chức.
Cách chức hoặc buộc thôi việc đối với người có chức vụ, quyền hạn tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác.
Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.
8. Tăng trợ cấp, phụ cấp của người có công với cách mạng
Theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2019, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng từ ngày 1/7/2019, cao hơn mức trước đó 109.000 đồng.
Cụ thể, với đối tượng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thì trợ cấp tối thiểu 1,094 triệu đồng, tối đa 5,207 triệu đồng;
Với thương binh loại B, trợ cấp tối thiểu 904.000 đồng, tối đa 4,308 triệu đồng. Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng sẽ nhận phụ cấp 1,67 triệu đồng. Mức trợ cấp tối thiểu cho bệnh binh là 1,695 triệu đồng, tối đa 2,086 triệu đồng.
9. Thêm 3 trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Thông tư 09/2019/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, từ ngày 1/8/2019, sẽ có thêm ba trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh bao gồm:
- Người có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8,94 triệu đồng) (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;
- Dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin thẻ bảo hiểm y tế;
- Người bệnh không xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
10. Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật
Theo Nghị định 55/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 24/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 16/8/2019, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật với mức như sau:
Từ 16/8/2019, doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật
- Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 3 triệu đồng/năm;
- Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 5 triệu đồng/năm;
- Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm…
Nghị định này cũng đề ra việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ ngày được phê duyệt. Các hoạt động của chương trình này bao gồm:
Cung cấp thông tin pháp luật trong và ngoài nước, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật;
Tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực theo quy định.
Nguồn: Tổng hợp
Hôm nay : 333
Tháng này : 24696
Tổng truy cập : 108784210