Để xuất chuyến hàng 4.500 con lợn, chủ trang trại chăn nuôi lợn nái ở xã Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã chủ động kiểm tra định kỳ huyết thanh cho đàn lợn, trở thành “tấm lệnh bài” lưu hành trong tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Đàn lợn 3.000 con được xuất đi từ trang trại của ông Nguyễn Tiến Sơn sau có kết quả an toàn dịch bệnh
Ông Nguyễn Tiến Sơn - chủ trang trại nái ở thôn Vinh Sơn, xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) cho biết: “Giữa lúc chăn nuôi lợn gặp khó khăn thì người nuôi phải tự cứu lấy mình trước. Phải tuân thủ quy định kiểm tra huyết thanh để giám sát sự lưu hành của dịch bệnh. Bởi lẽ, áp lực của tôi không chỉ có bảo vệ đàn lợn trước sự xâm nhập của DTLCP mà còn nguy cơ “ứ” đàn lên đến hàng nghìn con nếu không được xuất bán”.
Cơ sở chăn nuôi của ông Sơn bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015 với mục tiêu là sản xuất giống lợn nái siêu nạc. Gây dựng ổn định chuồng trại thì trại nái gặp khó khăn “kép”, hết bão giá năm 2017 chưa kịp phục hồi thì gặp ảnh hưởng của DTLCP. Lợn giống ứ đọng, tổng đàn tăng mà không “tháo” kịp khiến cho có những thời điểm trại nái rơi vào bí bách.
Thị trường ảm đạm vì DTLCP, có những thời điểm trại nái này dư thừa lên đến 5.000- 7.000 lợn con
Giữa lúc DTLCP đang vào giai đoạn cao điểm căng thẳng nhất ở Hà Tĩnh (6/2019), ông chủ trang trại này quyết định gửi 61 mẫu huyết thanh cho Chi cục Thú Y vùng III để xét nghiệm với hai loại dịch bệnh nghiêm trọng nhất: Dịch tả lợn và lở mồm long móng. So với việc ngồi chờ đàn lợn rơi vào thế bí và mất kiểm soát về tài chính vì mỗi tháng phải chi ra hơn 1 tỷ đồng duy trì thì quyết định “sắm lệnh bài” là đúng đắn nhất.
Kết quả thu về, 100% mẫu huyết thanh có kháng thể đối với dịch tả lợn và 98,3% có kháng thể lở mồm long móng. So với các xét nghiệm thông thường, phương pháp xét nghiệm Elisa có thể cho hiệu lực trong vòng 6 tháng, trở thành “bảo hộ” tin cậy nhất cho đàn lợn của trang trại.
"Tấm lệnh bài" giúp trang trại có được những đơn hàng lớn giữa "bão dịch"
“Sau khi có kết quả này, tôi đã xuất bán được đơn hàng 4.500 con lợn, trong đó 1.500 con vào Thừa Thiên Huế và 3.000 con vào Quảng Nam. Hiện nay, thị trường nội tỉnh cũng đã bắt đầu quay trở lại, cộng với việc trang trại chấp hành quy định của chăn nuôi thú y đã trở thành “tiếng lành đồn xa” với bà con nông dân. Mỗi con lợn giống có trọng lượng 1 yến bán ra được 1 triệu đồng” - ông Sơn phấn khởi.
Công tác tiêu độc khử trùng là yếu tố bắt buộc của trại lợn
Kể từ khi DTLCP xâm nhập Hà Tĩnh, công việc đầu tiên trong ngày ở trại lợn nái quy mô lớn nhất nhì tỉnh này đều đặn phun tiêu độc khử trùng, phủ vôi bột khắp khu vực chăn nuôi và kiểm soát tất cả hoạt động xuất - nhập ở trang trại. Điều này nhằm bảo vệ đàn nuôi từ phía trong của các trang trại, cầm cự qua thời gian căng thẳng nhất của loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Cùng với đó, chủ trại nái cũng nỗ lực giảm đàn theo chủ trương của tỉnh. Để đẩy về đúng quy mô ban đầu, ông Sơn chủ động loại thải nái kém chất lượng, trong vòng 2 tháng, đàn nái đã giảm được 90 con, chỉ còn 735 con.
Hôm nay : 330
Tháng này : 41412
Tổng truy cập : 89441385