Trước nguyện vọng của ông Son xin gặp gia đình để khắc phục hậu quả, HĐXX đã quyết định tạm ngưng xét xử một ngày.
Ngày 18-12, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến MobiFone mua cổ phần AVG tiếp tục làm việc. Hai cựu bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn có thêm nhiều lời khai làm rõ trách nhiệm của mình trong vụ án. Đặc biệt ông Son đã xin HĐXX cho gặp gia đình để bàn bạc việc nộp lại tiền nhận hối lộ nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Ai đưa việc mua bán vào diện mật?
Trong phần xét hỏi đối với bị cáo Trương Minh Tuấn, luật sư (LS) Phan Trung Hoài (người bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà) có đề cập tới việc Bộ TT&TT từng có văn bản đề nghị Bộ Công an đưa giao dịch mua bán cổ phần giữa MobiFone và AVG vào danh mục tài liệu mật.
Trả lời, ông Tuấn nói rằng thời điểm mình làm thứ trưởng thì không nắm được Bộ TT&TT đã thiết lập danh mục các tài liệu mật hay chưa. Đến năm 2016, khi ông làm bộ trưởng và yêu cầu rà soát lại thì mới biết chưa có. Do vậy ông Tuấn yêu cầu Vụ Pháp chế làm đề nghị Bộ Công an lập danh mục tài liệu mật của Bộ TT&TT.
“Có phải do yếu tố nhạy cảm về an ninh mạng, một trong những đề xuất của Bộ TT&TT là xin ý kiến Bộ Công an đưa giao dịch này vào danh mục tài liệu mật?” - LS Hoài hỏi.
Giải thích điều này, ông Tuấn nói việc Bộ TT&TT đề nghị đưa giao dịch vào danh mục tài liệu mật là theo ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng (tức bị cáo Nguyễn Bắc Son - PV) và giao cho Vụ Quản lý doanh nghiệp chuẩn bị nội dung công văn này. Bị cáo cho rằng không được trao đổi, thảo luận gì mà chỉ được giao ký công văn.
Theo diễn biến vụ án, ngày 27-1-2015, Lê Nam Trà có văn bản trình Bộ TT&TT xin phê duyệt chủ trương cho MobiFone đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số.
Từ chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ngày 3-2-2015, Phạm Đình Trọng lập phiếu trình đề nghị cho MobiFone được thực hiện chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình. Phương thức là mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số mà không yêu cầu MobiFone lập dự án đầu tư mới để có căn cứ so sánh, lựa chọn phương án đầu tư.
Đề xuất của Phạm Đình Trọng được ông Son đồng ý và giao cho ký văn bản trả lời MobiFone.
Ngày 6-2-2015, Phạm Đình Trọng có văn bản thống nhất chủ trương đầu tư theo đề xuất của MobiFone. Tại thời điểm này, giữa AVG và MobiFone chưa tiến hành thảo luận việc mua bán nhưng ngày 5-3-2015, Trọng đã lập phiếu trình có nội dung: “Công ty AVG đã trao đổi, làm việc với Tổng Công ty Viễn thông MobiFone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần của AVG cho MobiFone”.
Đặc biệt, Phạm Đình Trọng đề xuất MobiFone và AVG không thông tin, tuyên truyền giao dịch này và đưa giao dịch này vào danh mục mật của Nhà nước. Việc đề xuất của Trọng đã được ông Son và ông Tuấn đồng ý. Ngày 5-3-2015, ông Tuấn có Văn bản số 44/BTTTT-QLDN gửi Bộ Công an đề xuất đưa dự án vào danh mục tài liệu mật.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son tại tòa ngày 18-12. Ảnh: T.PHAN
Ông Son muốn từ chối LS ở tội nhận hối lộ
Tại tòa, LS bào chữa cho ông Son cũng cho rằng thân chủ mình có một số thay đổi lời khai nên muốn hỏi thêm để làm rõ. Cựu bộ trưởng Son sau đó được đưa ra từ phòng cách ly, khẳng định sức khỏe ổn.
Trước khi trả lời, ông Son xin HĐXX được gặp gia đình để có ý kiến sớm khắc phục hậu quả và gặp LS để nói rằng: Về tội danh nhận hối lộ ông đã nhận nên không nhờ LS bào chữa nữa. Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết HĐXX sẽ cân nhắc ý kiến này và bố trí thời gian hợp lý, liên hệ với cơ quan công an để bị cáo tiếp xúc với vợ con.
Đáng chú ý, đại diện VKS tiếp tục đặt nhiều câu hỏi với ông Son, trong đó có số tiền 3 triệu USD mà bị cáo nhận từ Phạm Nhật Vũ. Hồ sơ vụ án cho thấy ông Son từng khai chuyển số tiền này cho con gái và dặn không được gửi tiết kiệm. Ông Son cũng từng được đối chất với con gái của mình và thừa nhận số tiền nêu trên.
Cựu bộ trưởng Bộ TT&TT xác nhận mình có những lời khai này nhưng cho rằng có một số không đúng vì lý do sức khỏe khi đó không đảm bảo.
Đại diện VKS đặt vấn đề vì sao tại tòa bị cáo lại thay đổi lời khai về số tiền 3 triệu USD. Theo đó tại kết luận điều tra và cáo trạng, ông Son khai đưa toàn bộ số tiền này cho con gái nhưng ra tòa ông lại khai không đưa cho con mà dùng vào tiêu xài cá nhân. Ông Son chỉ nói ngắn gọn là lời khai trước đó không đúng.
Đặc biệt, khi đại diện VKS truy vấn rằng số tiền 3 triệu USD đã sử dụng vào mục đích gì, ông Son lại nói không nhớ.
Như vậy, tại tòa một lần nữa ông Son bất nhất với lời khai của chính mình liên quan đến số tiền 3 triệu USD. Bởi tại phần xét hỏi sáng 17-12, ông Son phản cung, không thừa nhận cầm tiền của Phạm Nhật Vũ và các bị cáo khác. Tới chiều ông lại xin khai lại, thừa nhận tội nhưng thay đổi lời khai rằng không phải đưa tiền cho con như cáo trạng quy kết mà tiêu xài cá nhân. Đến nay ông lại nói không nhớ cụ thể số tiền này dùng vào việc gì.
Cho ông Son gặp gia đình để khắc phục hậu quả Cuối phiên xử, thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết để tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Bắc Son tiếp xúc với gia đình nhằm khắc phục hậu quả, phiên tòa sẽ tạm ngưng xét xử ngày 19-12 và tiếp tục làm việc vào ngày 20-12. Cạnh đó phiên tòa sẽ kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang tranh luận khi làm việc trở lại. Trước đó một LS đề nghị ông Son xác nhận hai lời khai của ông Trương Minh Tuấn. Thứ nhất, ông Tuấn khai ký Quyết định 236 là không đúng trách nhiệm được phân công, bị cáo không đồng ý ký và đã báo cáo Nguyễn Bắc Son. Sau đó ông Son vẫn chỉ đạo phải ký vì phụ trách lĩnh vực phát thanh truyền hình. Thứ hai, ông Tuấn khai thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Son là vì được ông Son hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để làm bộ trưởng Bộ TT&TT. Cả hai lời khai này ông Son đều cho rằng không đúng. |
TUYẾN PHAN
Hôm nay : 23
Tháng này : 4661
Tổng truy cập : 92224226