Sáng 19/10, tại Kon Tum, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cùng đoàn công tác Trung ương làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum về “Năm Dân vận chính quyền 2019” và tình hình phát triển KT-XH, phòng chống buôn lậu, giữ vững quốc phòng- an ninh, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Kinh tế tăng trưởng khá nhưng vẫn là tỉnh nghèo
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hoà, tình hình KT-XH của tỉnh tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 8,78%/năm, đạt 97,59% mục tiêu Nghị quyết đề ra. Cơ cấu chuyển dịch kinh tế theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.704 USD/người (năm 2018).Công tác giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài có chuyển biến.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém hiện nay của tỉnh. Đó là, kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc, nguồn nhân lực còn yếu, công nghiệp chế biến chưa nhiều, kết quả giảm nghèo chưa bền vững(tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 17,2%); vẫn còn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đang được tập trung giải quyết; an ninh nông thôn còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, công tác vận động quần chúng chưa cao…
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh cho rằng tỉnh đã làm tốt việc phân công các sở ngành trong bám dân, đi cơ sở để tìm hiểu, gắn bó tình cảm giữa chính quyền với nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đồng thời, tăng cường làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại với dân, giảm đơn thư khiếu nại tố cáo, giải quyết các vụ việc bức xúc, kéo dài… nên việc giải quyết các vụ việc có bước chuyển biến tích cực.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) Đỗ Văn Đương đánh giá Kon Tum không có người dân khiếu kiện đông người ra Trung ương là điểm sáng. Tuy nhiên, tỉnh còn có một số vụ việc để kéo dài (có vụ đến nay là 36 năm), vẫn còn những quyết định hành chính còn sai phạm trong giải quyết đất đai… Tăng cường tiếp dân, đối thoại với dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo Theo ông Đỗ Văn Đương, lãnh đạo tỉnh phải tăng cường tiếp dân và đối thoại với dân trong giải quyết công việc, đơn thư và khiếu nại của dân, trách nhiệm tham mưu của các sở ngành như Thanh tra Tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho lãnh đạo tỉnh, đồng thời phải công khai minh bạch cho nhân dân, nhất là việc thu hồi đất, tái định cư. Phải kịp thời giải quyết ngay các vụ việc khi mới phát sinh tại cơ sở, không để thành điểm nóng, gây bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt, khi có kết luận của cấp có thẩm quyền thì tỉnh phải nghiêm túc thực hiện.
Tuy nhiên, cũng phải xử lý nghiêm những người trục lợi chính sách, pháp luật, cố tình làm sai, kích động và gây rối an ninh chính trị địa phương trong quá trình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh thời gian qua, tỉnh Kon Tum đạt được nhiều kết quả trong điều hành KT-XH, tăng trưởng kinh tế cao hơn trung bình cả nước. Tỉnh đã phát huy được tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo, vùng trồng cây chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao như sâm Ngọc Linh, dược liệu, đang từng bước tích tụ ruộng đất để xây dựng “cánh đồng lớn”. Kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã ban hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả “Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Kon Tum đến năm 2020”, “Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020”.
Trong đó, trong quá trình thực hiện 3 “đột phá chiến lược”, tỉnh phải chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo cán bộ, con em đồng bào dân tộc thiểu số, có chính sách cụ thể để con em được học hành đến nơi đến chốn, có trình độ để tiếp cận KHKT mới để áp dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
“Tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt là vùng kinh tế động lực cho Tây Nguyên. Kon Tum có thế mạnh về đất đai, xây dựng được một số cụm công nghiệp, cần phát triển công nghiệp xanh như du lịch, công nghiệp chế biến gỗ cao su, các loại cây ăn quả phát triển khá tốt, đa dạng. Do đó, tỉnh cần tạo ra sản phẩm có thế mạnh, có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, tìm thị trường đầu ra gắn với chế biến, phát triển mô hình cánh đồng lớn, hướng dẫn kỹ thuật cho dân, không để đất đai hoang hoá”, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ rõ Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo, còn khó khăn (GRDP xếp thứ 59, thu nhập bình quan đầu người xếp thứ 53 cả nước); thu ngân sách chỉ mới đáp ứng được khoảng 36% (thu ngân sách năm 2018 đạt 2.736 tỷ đồng/chi ngân sách là 7.644 tỷ đồng) nhu cầu chi trên địa bàn; chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đạt kế hoạch đề ra (chỉ mới đạt 72% mục tiêu Nghị quyết); tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm (mỗi năm giảm 3-4%, hiện còn 17,29% hộ nghèo tính đến cuối năm 2018) nhưng vẫn còn cao so với bình quân chung của cả nước (5,35%).
Về kết quả thực hiện “Năm Dân vận chính quyền” 2019, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận và công tác dân vận chính quyền nói riêng. Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 2352 ngày 15/1/2019 của Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự Đảng Chính phủ về phối hợp thực hiện “Năm Dân vận chính quyền 2019", đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kế hoạch rà soát giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp; tăng cường trách nhiệm; phối hợp thực hiện kế hoạch “Năm Dân vận chính quyền 2019"...
Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tỉnh đã tập trung chỉ đạo giải quyết tốt các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài như giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người, phức tạp giữa người dân thôn Plei Sar, thôn Tùng Lâm, xã Ia Chim với Công ty Cao su Kon Tum; khiếu nại của người dân xã Krong về đất trồng cao su tại Nông trường Cao su Thanh Trung...
Tuy nhiên, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số hạn chế như công tác tuyên truyền vận động, dân vận chính quyền chậm đổi mới, chưa vận dụng sát với điều kiện thực tế, đặc thù địa phương, nhất là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc đôn đốc thanh tra và kiểm tra chưa thường xuyên, vẫn còn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm...
Phó Thủ tướng thăm gia đình bà Y Ngợp tại TP. Kon Tum. |
Đổi mới, sáng tạo trong điều hành kinh tế-xã hội
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý tỉnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu KT-XH hội năm 2019; xây dựng và tổ chức triển khai, thực hiện tốt kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 bám sát thực tiễn, hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm, xây dựng kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2020-2025.
“Đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH, tiếp tục tái cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực; phát triển công nghiệp chế biến, gắn với thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra cho sản phẩm của người dân”, Phó Thủ tướng gợi mở cho tỉnh.
Theo đó, Kon Tum cần nghiên cứu việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quy hoạch, bảo tồn, đầu tư và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ, nhất là các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, đẳng sâm và các loại dược liệu khác... Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, có giải pháp phát triển rừng bền vững gắn với sinh kế của người dân sống gần rừng.
Phát triển mạnh 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; tổ chức kết nối các tuyến, tour du lịch giữa thành phố Kon Tum với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Thực hiện tốt chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý phải thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm; thực hiện chính sách an sinh xã hội cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản khó khăn và các chương trình của Chính phủ về phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục, nước sinh hoạt... để hỗ trợ bà con có điều kiện cải thiện cuộc sống.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Chỉ đạo các cấp ủy Đảng thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Về công tác dân vận chính quyền, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tỉnh quán triệt, thực hiện đúng với lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cán bộ là công bộc của dân, vì lợi ích của dân thì dân sẽ ủng hộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo quy định, tăng cường đối thoại, tiếp dân tại nơi xảy ra vụ việc, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân ngay từ khi mới phát sinh.
“Cán bộ phải gần dân, sát dân, không ngại đối thoại với dân. Cán bộ nếu ngại tiếp dân thì anh có cái sai mới sợ tiếp công dân, từ đó có thể phát sinh điểm nóng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể để làm tốt công tác tuyên truyền chính sách pháp luật đối với người dân. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài, lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, dành thời gian thích hợp để chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, không để khiếu nại vượt cấp, đặc biệt là các khiếu nại, tranh chấp đất đai, đòi đất giữa người đồng bào dân tộc ít người với các nông lâm trường; khi phát sinh, khiếu nại, tố cáo phải trực tiếp đối thoại với người dân để có biện pháp giải quyết không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh phải xây dựng kế hoạch, chương trình công tác phù hợp với tình hình cụ thể diễn biến thị trường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan thực thi pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn trọng điểm, có đối sách với phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhất là sản xuất hàng cấm, tiền chất ma túy, kịp thời tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý.
“Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình an ninh trật tự kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước, không để xảy ra bị động, bất ngờ”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận, giao các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu, tham mưu để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng thăm gia đình bà Y Leo tại TP. Kon Tum. |
*Cũng trong sáng 19/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đến thăm 2 gia đình chính sách (thương binh) tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn thành phố Kon Tum./.
Lê Sơn
Hôm nay : 314
Tháng này : 5431
Tổng truy cập : 92636154