Sau gần 10 năm, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và công ty Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC) vẫn chưa thống nhất quan điểm xung quanh việc định giá con tàu 104.000 tấn để tiến hành bàn giao.
Ảnh minh họa.
10 năm chưa bàn giao được 1 con tàu
Trong văn bản mới đây, ngày 20/8, Bộ Tài Chính gửi Bộ Công Thương và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước về việc chuẩn bị phiên họp thứ 8 Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương. Trong đó, có nhắc đến việc bàn giao con tàu 104.000 tấn giữa Vinashin và PVN.
Năm 2010, sau khi Vinashin phá sản, nhà máy đóng tàu Dung Quất - Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất được chuyển sang cho Tập đoàn PVN tiếp quản. Mọi chuyện đều "êm đẹp" trừ việc bàn giao con 104.000 tấn của Nhà máy đóng tàu Dung Quất từ thời Vinashin đóng. Suốt gần 10 năm qua, con tàu này vẫn trong tình trạng "vô chủ".
Theo đó, vướng mắc trong việc bàn giao xuất phát từ khác biệt trong quan điểm thực hiện của PVN về “nhận bàn giao nguyên trạng” con tàu.
Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) yêu cầu PVN phải thanh toán 819 tỷ đồng theo số hạch toán về chi phí dở dang thực hiện con tàu tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Bên cạnh đó, PVN phải thanh toán tiếp 448 tỷ đồng. Số tiền này là các khoản chi phí lãi vay sẽ được vốn hóa vào vốn đầu tư dự án, phí bản quyền, chi phí thiết kế được chủ đầu tư theo dõi hạch toán nhưng chưa phân bổ trực tiếp vào dự án dở dang.
Trái ngược với quan điểm của SBIC, PVN cho biết chỉ chấp nhận thanh toán 819 tỷ đồng, với lý do PVN tiếp nhận nguyên trạng Nhà máy đóng tàu Dung Quất, bao gồm vốn và tài sản hạch toán tại nhà máy này, trong đó có giá trị dở dang con tàu.
Cũng theo PVN, việc SBIC xác định giá trị chuyển giao con tàu bao gồm chi phí 448 tỷ đồng “là chưa phù hợp với nguyên tắc chuyển giao nguyên trạng và chưa có cơ sở để đảm bảo nào về độ tin cậy của thông tin tài chính”.
Trong trường hợp PVN tiếp tục nhận thêm khoản chi phí nêu trên sẽ gây lỗ cho hoạt động kinh
doanh của PVN cũng như tình hình hoạt động của PVTrans (đơn vị nhận chuyển nhượng tàu từ PVN).
Thêm vào đó, theo PVN, con tàu này đã vận hành từ năm 2013. Giá trị dở dang tại thời điểm bàn giao năm 2010 khác so với giá trị tại thời điểm vận hành và sẽ có sự khác biệt lớn so với hiện tại. Do đó, việc định giá tại thời điểm này làm cơ sở để bàn giao tại thời điểm 30.6.2010 là không phù hợp.
Bộ Tài Chính đồng tình quan điểm của SBIC
Khúc mắc này đã kéo dài suốt 10 năm khiến cho việc bàn giao con tàu không thể tiến hành. Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ Tài Chính cho rằng, việc bàn giao nguyên trạng con tàu từ SBIC sang PVN là bàn giao một dự án độc lập.
Giá trị PVN phải thanh toán cho chủ đầu tư SBIC đối với con tàu được xác định là bàn giao dự án đầu tư độc lập của chủ đầu tư là SBIC sang PVN.
Vì vậy, giá trị bàn giao và PVN phải thanh toán bao gồm khoản chi phí đầu tư dở dang 819 tỷ đồng và 448 tỷ đồng chi phí khác mà SBIC yêu cầu.
Bộ Tài chính cho rằng ý kiến của PVN “không có gì mới”. PVN không giải trình rõ cơ sở nào để PVN, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất bán lại con tàu sau khi tiếp nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất từ SBIC, trong khi tại thời điểm đó Công ty đóng tàu Dung Quất chỉ là nhà thầu, không phải là chủ đầu tư, sở hữu con tàu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có ý kiến chỉ đạo các bên khẩn trương hoàn thành việc định giá con tàu 104.000 tấn theo quy định và chuyển kết quả định giá cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán.
Theo Lao Động
Hôm nay : 2139
Tháng này : 7860
Tổng truy cập : 93002607