Đến giữa tháng 8, tỉnh Tiền Giang đã phát hiện gần 2.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 146% so cùng kỳ năm ngoái, có 1 trường hợp tử vong tại TP Mỹ Tho.
Hiện nay, Tiền Giang là một trong số địa phương có số ca bệnh sốt xuất huyết ở mức cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chính quyền và các ngành, đoàn thể địa phương đang tập trung phòng chống dịch bệnh này.
Khám chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết cho trẻ tại trạm y tế xã - ( Ảnh: PV) |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, đến giữa tháng 8, toàn tỉnh đã phát hiện gần 2.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 146% so cùng kỳ năm ngoái, có 1 trường hợp tử vong tại thành phố Mỹ Tho. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết ở mức cao là thành phố Mỹ Tho, huyện Cái Bè, Châu Thành và huyện Cai Lậy.
Qua điều tra dịch tễ của ngành Y tế dự phòng cho thấy, có cả 4 chủng virus Dengue đang lưu hành trong tỉnh. Hiện nay, thời tiết thay đổi bất thường, đặc biệt là thói quen trữ nước tại các vật chứa trong và xung quanh nhà của người dân, nhất là vào mùa mưa rất thuận lợi cho muỗi vằn, véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển.
Do đó, ngành Y tế Tiền Giang làm nồng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết; hoàn thành chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2, kết hợp vệ sinh môi trường. Đặc biệt, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo ở cấp xã, phường, thị trấn trong công tác phòng chống dịch.
“Cách đây 5 năm về trước, bệnh sốt xuất huyết ở xã tôi không bao giờ dưới 40 ca/năm. Từ 5 năm trở lại đây, số ca sốt xuất huyết giảm dần. Tôi có kinh nghiệm là phải tích cực tuyên truyền từ chiều rộng đến chiều sâu, có xử phạt rồi có kiểm tra chéo. Khi có ổ dịch xảy ra thì không chỉ riêng ngành Y tế mà cấp ủy Đảng, chính quyền phải vào cuộc; phải điều động toàn bộ Ban chỉ đạo tham gia thì mới chống được dịch”, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho chia sẻ./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Hôm nay : 859
Tháng này : 8831
Tổng truy cập : 93682864