Người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội ngoài các tiêu chuẩn chung về uy tín, năng lực thì mỗi chức danh đều gắn với các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể khác nhau.
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 214 -QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này thay thế Quy định 90 được ban hành từ tháng 8/2017.
Ngoài quy định các tiêu chuẩn chung về chính trị, tư tưởng; về đạo đức, lối sống; về trình độ; về năng lực, uy tín và về sức khoẻ, độ tuổi, kinh nghiệm, Quy định 214 còn nêu rõ tiêu chuẩn với từng chức danh cụ thể.
Theo quy định mới, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là người thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm.
Ngoài ra, phải là ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố)… Trường hợp ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Các chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đều có tiêu chuẩn chung là phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân.
Tổng bí thư phải là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân; Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…
Người đứng đầu Đảng cũng phải có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc. Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt.
Đặc biệt, đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Chủ tịch nước cần có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước.
Chủ tịch nước phải quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Và đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Thủ tướng cần có năng lực nổi trội toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; tư duy nhạy bén, năng động, quyết đoán, quyết liệt, quyết định kịp thời những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp.
Thủ tướng phải là người hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế - xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước và hệ thống chính trị.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cần có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Về kinh nghiệm, Thủ tướng phải là người đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Ngoài các tiêu chuẩn chung, các chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội đều có tiêu chuẩn riêng cần đáp ứng. Ảnh: VGP. |
Chủ tịch Quốc hội là người cần quyết liệt trong lãnh đạo, có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trong việc chỉ đạo thể chế hoá đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng phải hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đặc biệt, phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Ngoài quy định tiêu chuẩn đối với các chức danh của cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Quy định 214 còn nêu rõ một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ảnh: TTXVN. |
Cụ thể, cán bộ được điều động, luân chuyển từ nơi khác đến không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn "đã kinh qua chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp".
Cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ tương đương hoặc kiêm nhiệm thêm chức vụ khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chức danh tương đương hoặc tiêu chuẩn chức vụ kiêm nhiệm.
Cán bộ đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn "quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp".
Khi xem xét, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức danh mới chưa có trong quy định này thì áp dụng tiêu chuẩn chung và vận dụng tiêu chuẩn chức danh tương đương có vị trí, tính chất tương đồng.
Hôm nay : 2299
Tháng này : 4580
Tổng truy cập : 92089793