Thủ tướng quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên cả nước, trừ một vài khu vực có nguy cơ cao ở Hà Nội, Hà Giang, Bắc Ninh nhưng khuyến cáo nâng cao trách nhiệm chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những kết quả đáng mừng Việt Nam đã thực hiện được trong việc phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4. Tuy nhiên, ông lưu ý vẫn phải cảnh giác, chấp nhận một tình trạng là sống trong trạng thái có dịch vì nếu nguy cơ dịch trên thế giới thì Việt Nam cũng không thể thoát khỏi.
“Vì vậy, tinh thần là sống chung với dịch và có kiểm soát”, Thủ tướng nói.
Về đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia trong việc xếp địa phương theo nhóm nguy cơ, Thủ tướng cơ bản đồng tình. Riêng với Hà Nội, Thủ tướng quyết định đưa vào nhóm "có nguy cơ".
“Nhưng một số địa phương của Hà Nội lại phải xếp vào nhóm có nguy cơ cao như huyện Thường Tín, huyện Mê Linh hay nơi có ca nhiễm chưa đủ 14 ngày. Những nơi này phải áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16”, Thủ tướng nói.
Một số địa phương của Hà Nội phải xếp vào nhóm có nguy cơ cao như huyện Thường Tín, Mê Linh hay nơi có ca nhiễm chưa đủ 14 ngày
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ông giải thích chưa áp dụng nguy cơ cao với toàn thành phố Hà Nội. Theo đó, Chủ tịch Hà Nội quyết định thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với những nơi có nguy cơ cao, còn những nơi khác trên địa bàn thì có thể nới lỏng giãn cách xã hội.
Hay như với Hà Giang, Bắc Ninh, Thủ tướng cho rằng khu vực có bệnh nhân đang điều trị cũng phải là nơi có nguy cơ cao.
Còn lại các địa phương khác, Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, theo dõi nghiêm ngặt nhưng tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh bình thường của người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Ông giao Chủ tịch tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định việc mở cửa hàng, các hoạt động sản xuất hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, lãnh đạo địa phương phải xác định nguy cơ cụ thể của từng nơi trên địa bàn để có giải pháp cho phù hợp. Nhưng lưu ý với những nơi nguy cơ cao, không được kinh doanh trên đường phố.
“Nới lỏng giãn cách xã hội nhưng tối nay không phải là dịp đổ ra đường ăn mừng”, Thủ tướng lưu ý và khuyến cáo nâng cao trách nhiệm người dân trong phòng, chống dịch.
Dịp này, nhiều người, đặc biệt giới trẻ dễ cảm thấy bí bách, đổ ra đường, Thủ tướng yêu cầu công an và các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát chặt các hoạt động như đua xe, tập trung nhậu nhẹt đông người, sự kiện thể thao đông người; khuyến cáo người dân vui mừng nhưng phải có cảnh giác…
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 ở một số khu vực có nguy cơ cao, áp dụng Chỉ thị 15 ở những nơi có nguy cơ
Một lần nữa, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 ở một số khu vực có nguy cơ cao, áp dụng Chỉ thị 15 ở những nơi có nguy cơ.
Đặc biệt, một số hoạt động vẫn được yêu cầu cấm hoàn toàn như: lễ hội, sự kiện thể thao đông người, hoạt động cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, massage, tiệm trang điểm, tiệm hoa, sở thú...
Với các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đông người phải có giãn cách; chưa đồng ý cho nhập cảnh tự do; chưa chấp nhận khách du lịch nước ngoài.
Đề cập đến giải pháp cách ly xã hội, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đó là chính sách đúng đắn, kịp thời, nhờ vậy 6 ngày qua, Việt Nam không có trường hợp nào bị nhiễm. “Đây là thắng lợi để chúng ta chuyển sang giai đoạn phòng chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói.
Ông đặt ra yêu cầu không để đại dịch tàn phá đất nước, coi mạng sống, sức khỏe người dân là quan trọng nhất. Vì vậy, cả hệ thống phải tiếp tục chống dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam trở lại.
Cùng với nhiệm vụ đó, phải tạo năng lực để khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đây là yêu cầu bức thiết khi đất nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chủ trương quan trọng số 1 vẫn là ngăn chặn triệt để từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực các ca nhiễm; cách ly tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam và người có nguy cơ cao.
Phải xác định trạng thái bình thường mới, nhưng một số yêu cầu vẫn bắt buộc như đeo khẩu trang trong hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông công cộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện chưa có chủ trương tiếp nhận khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam mà mới chỉ chấp nhận khách trong nước với những điều kiện cụ thể.
“Chúng ta đang xác định phải sống chung với dịch khi chưa có vaccine và thuốc đặc trị có hiệu quả. Chúng ta cũng phải xác định trạng thái bình thường mới, nhưng một số yêu cầu vẫn bắt buộc như đeo khẩu trang trong hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông công cộng. Thế giới đã công nhận đeo khẩu trang là hiệu quả, ta phải biết phát huy”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần thường xuyên rửa tay sát khuẩn, kể cả sát khuẩn phương tiện, công cụ hay vị trí mà virus có thể xâm nhập; quy định khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên như sản xuất kinh doanh, lớp học, nhà hàng.
Thủ tướng tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiét, hạn chế tập trung đông người.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, tính đến 12h ngày 22/4, thế giới ghi nhận hơn 2,557 triệu trường hợp mắc tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ; 177.641 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, từ ngày 17/4 không ghi nhận trường hợp mắc mới, số ca nhiễm dừng ở 268. Trong đó, 222 trường hợp đã khỏi bệnh, chiếm 83% tổng số bệnh nhân. Ba bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và có tiến triển trong những ngày gần đây.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân số 268 ghi nhận tại Đồng Văn, tỉnh Hà Giang mới đây nhất, tỉnh đã lấy 358 mẫu xét nghiệm, trong đó 302 mẫu có kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Hôm nay : 483
Tháng này : 29610
Tổng truy cập : 87857506