Một ngày làm việc điển hình đối với nhân viên văn phòng người Singapore Shamir Osman thường kéo dài 9 tiếng rưỡi với họp hành và điện thoại liên tục khiến anh không có cả thời gian để ăn
Người lao động tại Tokyo dành trung bình hơn 45 tiếng/tuần để làm việc. Ảnh: The Japan Times
Nhưng lịch trình làm việc dày đặc của nhân viên quản lý quan hệ công chúng 39 tuổi này không phải là điều bất thường ở Singapore, nơi tuần làm việc trung bình của người lao động thường là 45 giờ. Theo nghiên cứu thực hiện tại 40 quốc gia của công ty Kisi – số giờ làm việc của người Singapore nhiều thứ hai tại châu Á- Thái Bình Dương.
Nghiên cứu được công bố kết quả trong tháng 8 này tập trung vào dữ liệu về thời gian đến cơ quan, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần và lượng ngày nghỉ của người lao động tại những thành phố mệnh danh “chăm chỉ nhất trên thế giới”. Kết quả là 3 thành phố đứng trong top 5 đều nằm tại châu Á.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Tokyo (Nhật Bản) đứng đầu danh sách, với Singapore đứng ở vị trí thứ hai, sau đó là Washington (Mỹ) và Kuala Lumpur (Malaysia), ở vị trí số 5 là Houston ở Mỹ.
Trung bình trong năm người lao động Singapore chỉ nghỉ 14 ngày còn người lao động Tokyo trung bình nghỉ 10 ngày.
Những thành phố được cho có sự cân bằng hàng đầu giữa công việc và cuộc sống đều nằm tại Bắc Âu, gồm Helsinki ở Phần Lan, sau đó là Munich (Đức) và Oslo của Na Uy đều có số giờ làm việc trung bình trong tuần là dưới 39 tiếng.
Vậy điều gì khiến người lao động tại các thành phố ở châu Á làm việc chăm chỉ đến vậy ?
Ông Erman Tan – cựu Chủ tịch Viện Nguồn lực con người Singapore – đánh giá nguyên nhân bắt nguồn từ “văn hóa và hành vi làm việc”. Ông Erman Tan nhận xét: “Người Singapore cho rằng chăm chỉ làm việc là hiệu quả, đây còn là nơi có môi trường cạnh tranh vì vậy mọi người phải cố gắng hết sức để bắt kịp tiến độ”.
Một người lao động 41 tuổi có tên Betty Ho chia sẻ: “Bạn không được đến muộn, có rất nhiều cuộc họp, bàn làm việc của bạn phải gọn gàng, ngăn nắp trong khi đó ông chủ luôn đúng và bạn không được rời văn phòng trước ông ấy’.
Công nghệ hiện đại khiến người lao động có thể phải tiếp xúc với công việc 24 giờ/ngày. Ảnh: Straits Times
Ông Erman Tan cho biết nhờ công nghệ hiện đại, ngày nay bạn có thể làm việc ở mọi nơi. “Ở nhà, trên tàu hỏa… Qua điện thoại, bạn có thể trả lời thư điện tử, trò chuyện nhờ WhatsApp hoặc WeChat”.
Nhưng chính việc có thể kết nối làm việc trong 24 giờ lại gây phiền hà với những người lao động khác. Nhiều người lao động cho biết họ muốn tắt điện thoại sau một ngày dài làm việc.
Etain Chow (28 tuổi) làm việc tại một công ty quảng cáo ở Kuala Lumpur cho biết cô tự tạo nguyên tắc không trả lời thư điện tử và tin nhắn liên quan đến công việc “trước 9 giờ sáng, sau 7 giờ 30 phút tối” đồng thời không phản hồi vào cuối tuần.
Tuy nhiên, có nhiều thời điểm vì hạn mức công việc, Etain Chow phải ở văn phòng đến 9 giờ tối và làm việc cả Thứ Bảy lẫn Chủ Nhật.
Nhưng làm việc nhiều giờ đồng hồ không đồng nghĩa với tăng năng suất. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong năm 2017 từng thống kê rằng với mỗi giờ làm việc trung bình người lao động Nhật Bản tạo ra được 46,10 USD cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong khi đó, người Phần Lan tạo được 64,60 USD/giờ. Ngay cả khi làm việc hơn người Phần Lan 126 giờ mỗi năm nhưng người lao động Nhật Bản vẫn chưa thể đóng góp số tiền tương đương.
Microsoft (Mỹ) đã thử nghiệm chương trình làm việc 4 ngày/tuần tại cơ sở ở Nhật Bản. Theo đó, trong tháng 8 vừa qua, Microsoft tạo điều kiện để 2.300 người lao động tại Nhật Bản được nghỉ việc vào thứ 6 mà không giảm tiền lương của họ.
Thử nghiệm này thu được kết quả là người lao động vui vẻ hơn và năng suất công việc tăng tới 40%. Kèm theo đó, lượng điện tiêu thụ tại nơi làm việc còn giảm 1/4.
Hà Linh/Báo Tin tức
Hôm nay : 172
Tháng này : 40094
Tổng truy cập : 88359888