Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Hà Tĩnh vẫn tăng trưởng với con số ấn tượng, đạt hơn 70% kế hoạch năm 2021.
Hoạt động bốc xếp bao bì xuất khẩu của Công ty CP Sao Mai (cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên).
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Tĩnh những tháng đầu năm 2021 có nhiều khởi sắc, trở thành điểm sáng của ngành công thương và nền kinh tế nói chung.
Trong 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 910,28 triệu USD, tăng 106,63% so với cùng kỳ năm 2020 (6 tháng đầu năm 2020 đạt 440,54 triệu USD). Với con số này, dù mới đi được nửa chặng đường thời gian, kim ngạch xuất khẩu đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm 2021 đề ra.
Một số mặt hàng xuất khẩu đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 như: thép và phôi thép đạt 828,4 triệu USD, tăng 159,8%; xơ, sợi dệt đạt 6,05 triệu USD, tăng 157,5%; thủy sản đạt 2,35 triệu USD, tăng 36,6%; dăm gỗ đạt 21,58 triệu USD, tăng 19%; hàng sợi và may mặc 4,26 triệu USD, tăng 26,8%. |
Xuất khẩu từ Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 856,78 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng, kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm đạt cao chủ yếu do nhu cầu thép thế giới tăng đột biến và giá thép xuất khẩu tăng từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhờ làm tốt công tác phòng dịch Covid-19, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng thép, phôi thép và các sản phẩm phụ từ Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 856,78 triệu USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Cùng đó, các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng như: may mặc, xơ, sợi dệt, thủy sản, dăm gỗ… đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa ổn định sản xuất kinh doanh.
Dăm gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt – Nhật được khai thác trên địa bàn Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận.
Ông Huỳnh Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt – Nhật (KKT Vũng Áng) cho biết: “Công ty hiện có 50 lao động làm việc thường xuyên. Do thị trường Nhật Bản nhu cầu sử dụng gỗ làm giấy nhiều nên hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của chúng tôi vẫn ổn định.
Từ đầu năm tới nay, công ty đã xuất khẩu 3 đợt hàng với sản lượng 120.000 tấn, doanh thu khoảng 6 triệu USD. Trong tháng 7 này, chúng tôi xuất tiếp 2 chuyến hàng. Dự kiến trong năm nay, công ty sẽ có 8 - 10 chuyến hàng đi Nhật Bản”.
Nền kinh tế thế giới đang vào giai đoạn phục hồi khi nhiều quốc gia đã bước đầu khống chế được dịch Covid-19. Đây là yếu tố quan trọng, tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực và kỳ vọng hoạt động xuất khẩu hàng hóa sẽ duy trì đà tăng trưởng những tháng cuối năm.
Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh tăng tốc sản xuất, thực hiện năm 2021. Ảnh tư liệu
Ông Phạm Văn Túc - Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh cho hay: “Chúng tôi đã và đang áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch để tạo “lá chắn”, đảm bảo sức khỏe của người lao động và hoạt động của nhà xưởng… Nhờ đó, tháng nào công ty cũng có hàng xuất hàng đi Nhật Bản cung cấp cho đối tác.
Công ty đang tập trung nguồn lực, tăng tốc sản xuất để đạt và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2021 với 545 tấn hàng, doanh thu khoảng 134 tỷ đồng. Hy vọng từ nay tới cuối năm, tình hình dịch bệnh ổn định để hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn”.
Công nhân Công ty CP Bao bì Sông La Xanh đảm bảo khoảng cách để phòng chống dịch trong quá trình làm việc.
Nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, song hoạt động xuất khẩu không thể tránh khỏi khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, chi phí đầu vào như: phí vận chuyển, phí thuê container, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.
Thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD trong năm 2021 và hướng tới sự phát triển dài hơi của lĩnh vực này, Sở Công thương cùng các ban, ngành đang tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hóa; cải thiện môi trường đầu tư để mời gọi doanh nghiệp nước ngoài, trong nước tham gia đầu tư sản xuất.
Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong bối cảnh mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt cơ hội, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hôm nay : 119
Tháng này : 5236
Tổng truy cập : 92511323