Tại hội thảo “Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2030, kế hoạch 2021 - 2025” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 23.9, các chuyên gia cho rằng cần xác định lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu chính của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới nên là kinh doanh - tức là theo đuổi lợi nhuận và doanh nghiệp nhà nước phải được quản trị theo chuẩn mực quốc tế.
Khó hoàn thành mục tiêu
Theo Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp CIEM Phạm Đức Trung, việc đánh giá thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong 10 năm 2011 - 2020 là rất cần thiết, bởi đây là “đầu vào” để đặt ra những kế hoạch, phương hướng cho giai đoạn tới.
Ông Phạm Đức Trung chỉ rõ, trong 10 năm qua, các nghị quyết, kết luận của Đảng và Nhà nước đã đặt ra mục tiêu cơ cấu lại DNNN “rất nhiều lần”. Trong đó, Quyết định 707/TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra 4 mục tiêu, gồm: Sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn; nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; xử lý dứt điểm các dự án yếu kém; hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát, sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.
Trên thực tế, riêng về cơ cấu lại DNNN thông qua CPH, thoái vốn, từ năm 2016 - 6.2019 đã nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trên 177 nghìn tỷ đồng; chuyển 185 nghìn tỷ đồng từ quỹ này về ngân sách, đạt 74% theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020. Tuy vậy, “mục tiêu thoái vốn để điều chỉnh cơ cấu DNNN hợp lý hơn nhưng qua 10 năm, chúng tôi thấy chưa đạt được”, ông Trung nói. Minh chứng bởi “việc thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư xã hội vào DNNN chưa đạt được. Thậm chí có doanh nghiệp mà Nhà nước phải giữ vốn tới 99%. Vốn nhà nước duy trì ở hầu hết các ngành, lĩnh vực thì không thể thay đổi cơ cấu của doanh nghiệp”.
Về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, báo cáo của CIEM chỉ rõ, khu vực kinh tế nhà nước có chất lượng tăng trưởng thấp hơn nhiều so với khu vực kinh tế tư nhân và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, tốc độ đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh) tăng nhanh hơn tốc độ đầu ra (doanh thu), vốn tăng nhiều nhưng kết quả không tương xứng. Điều này dẫn tới việc để tạo ra một đồng doanh thu, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp khác. Chỉ số quay vòng vốn (doanh thu/tổng nguồn vốn) của DNNN thấp nhất trong 3 loại hình doanh nghiệp theo sở hữu, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 0,47; năm 2016 là 0,38; năm 2017 là 0,34; trong khi mức chung của cả nước lần lượt là 0,66; 0,67 và 0,67.
Đối với các dự án yếu kém, thua lỗ, việc xử lý dù đã có dấu hiệu tích cực song theo đại diện CIEM, xét về tổng thể, trong 1 năm nữa khó hoàn thành nhiệm vụ xử lý các dự án này. Đơn cử, với 12 dự án thuộc ngành công thương, hiện mới có 2 dự án bước đầu có lãi, còn lại đều rất chậm chạp… “Như vậy, với 4 mục tiêu theo Quyết định 707, có 1 mục tiêu chắc chắn chưa đạt, 3 mục tiêu còn lại chưa hoàn thành”, ông Phạm Đức Trung nói.
Phải có quyền tự chủ
Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này, đại diện CIEM cho rằng trước hết do khó khăn của thị trường, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008 - 2009 khiến nhiều doanh nghiệp mãi đến năm 2015 - 2016 vẫn chưa khắc phục được. Thêm vào đó, năng lực, trình độ công nghệ, quản lý, điều hành của chính doanh nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, có yếu tố từ quan điểm, nhận thức khi vẫn lúng túng giữa việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN theo cơ chế thị trường với tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, dẫn tới can thiệp hành chính vào DNNN. Chưa kể, khi xác định vai trò của DNNN, một số vai trò thực tế đã vượt quá năng lực, thực lực và bản chất của DNNN, dẫn tới một mặt không thể thực hiện được, mặt khác ưu tiên nguồn lực để DNNN thực hiện vai trò đó.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, các chuyên gia của CIEM kiến nghị cần xác định lại vai trò của kinh tế nhà nước và DNNN. Thứ nhất, nên tập trung vào phân bổ lại nguồn lực của kinh tế nhà nước để thực hiện tốt vai trò hình thành, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như bảo đảm cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Kinh tế nhà nước không phải để cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác mà cần được cơ cấu lại để nâng kinh tế tư nhân thành động lực chủ yếu đối với phát triển. Điều này đồng nghĩa phải cơ cấu lại nguồn lực kinh tế nhà nước đang ở những lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác theo hướng giảm dần. Thứ hai, đối với DNNN cần xác định mục tiêu chính phải là kinh doanh, tức lấy mục tiêu lợi nhuận là chủ yếu.
Để làm được điều đó, trước hết, phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đối với DNNN đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục thống nhất pháp luật về kinh doanh, cạnh tranh, doanh nghiệp; chấm dứt mọi hình thức ưu đãi; tính đúng, tính đủ, định giá thị trường mọi tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đặc biệt, phải để DNNN có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao.
Liên quan đến thoái vốn, cơ cấu lại sở hữu, ngành nghề của DNNN, để thực hiện Nghị quyết số 12 - NQ/TW “hầu hết DNNN là doanh nghiệp sở hữu hỗn hợp”, đối với 103 DNNN còn lại sau CPH sau năm 2020, cần chuyển khoảng 90% số doanh nghiệp này thành công ty cổ phần; chỉ giữ lại những doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán, in tiền quốc gia, bảo hiểm tiền gửi. Đến năm 2025 cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng không quy định cơ quan nhà nước được quyết định dự án đầu tư của DNNN.
Nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần giao cho DNNN những nhiệm vụ cụ thể. “Hiện nay, việc giao DNNN phải bảo toàn phát triển vốn là cực kỳ mù mờ, không đánh giá được. Hãy giao cho DNNN những nhiệm vụ đủ cao để chỉ những người tài mới hoàn thành được, chứ không phải giao nhiệm vụ đủ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành. Bởi nếu giao những nhiệm vụ đủ thấp, chỉ có “con ông cháu cha”, thân hữu mới vào được đó”, ông Cung nói.
Đan Thanh
Hôm nay : 116
Tháng này : 16230
Tổng truy cập : 105264129