Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, phát triển văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh.
Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị triển khai "Cuộc vận động xây dựng VHDN Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hà Nội và 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng”, bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng diễn ra sáng ngày 6/8 tại Hà Nội.
Nhiều DN còn hỡ hững
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng ban tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển VHDN cho hay, xây dựng VHDN là làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và liêm chính trong kinh doanh, tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp lao động sáng tạo…
"Với sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hoá, xây dựng VHDN là chính sách phát triển thương hiệu, là tài sản vô hình của mỗi DN. VHDN, văn hóa doanh nhân là nền tảng để DN phát triển bền vững cũng như góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh", ông Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) chia sẻ, VHDN chính là “phần hồn của DN” có vai trò to lớn, quyết định đến sự thành bại của mỗi DN.
"Việc xây dựng và phát triển VHDN phù hợp sẽ giúp định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả nhân viên, hướng mọi thành viên tới mục tiêu chung của tổ chức, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết và tạo động lực cho nhân viên; đồng thời là nam châm thu hút nhân tài, cũng như tạo dựng cho DN một lợi thế cạnh tranh bền vững", ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
DN 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng tham gia trưng bày gian hàng bên lề hội nghị |
Đồng quan điểm trên, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban Cố vấn Hanoisme cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong một DN cần có đó là chữ "tín" trong quản lý. Yếu tố này thể hiện văn hóa của DN, giúp gắn kết và đưa DN phát triển.
Tuy nhiên, khi đánh giá về thực trạng VHDN tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, xây dựng VHDN hiện nay của DN Việt chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của nó. Đa số DN còn hờ hững và chưa thực sự coi trọng tài sản vô hình này nên chưa có chiến lược xây dựng, kế hoạch phát triển cũng như đầu tư thích đáng.
Xây dựng văn hóa cần đi vào thực chất
Tại hội nghị, nhiều ý kiến chuyên gia chia sẻ, VHDN được xây dựng từ người lãnh đạo đến nhân viên nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ hướng đến cộng đồng, vừa có doanh thu, lợi nhuận vừa thể hiện trách nhiệm xã hội. VHDN được biểu hiện từ phong cách quản trị điều hành, đánh giá kết quả công việc, khen thưởng, bổ nhiệm, từ chức, cách thức bồi dưỡng, đào tạo nhân viên, phương thức triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh...
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, VHDN không chỉ là hình ảnh DN, mà còn là hình ảnh quốc gia, là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để hòa nhập, hội nhập khu vực và thế giới.
"Để VHDN đi vào thực chất, lãnh đạo, người đứng đầu và bộ phận cán bộ quản lý của DN phải được đào tạo và tự đào tạo về VHDN một cách hệ thống, theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể thông qua vai trò của Chính phủ, các hiệp hội, tổ chức xã hội, trường đại học, các cơ quan báo chí, truyền thông…" - PGS. TS Đỗ Minh Cương chia sẻ.
Về câu chuyện này, ý kiến chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, VHDN sẽ được thúc đẩy bởi văn hóa quản lý Nhà nước. Thực tế, nếu văn hóa quản lý lành mạnh thì VHDN cũng lành mạnh và ngày một tốt hơn.
Từ đó, ông Phong đưa ra có 4 giải pháp để xây dựng VHDN là, Việt Nam cần xây dựng chuẩn quốc gia mới hội tụ những điều tốt đẹp của cả văn hóa truyền thống; xây dựng cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và người tiêu dùng, giúp DN định hướng phát triển theo; đổi mới và thay đổi văn hóa quản lý, đặc biệt là văn hóa cán bộ; cuối cùng là phải tôn vinh DN có văn hóa.
Còn theo ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, để phát triển bền vững, DN cần hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trong đó VHDN chính là yếu tố “nhân hòa”. Đã đến lúc DN phải nhìn nhận, văn hóa là mục đích của sự phát triển, vừa là động lực, vừa là mục tiêu... Bản chất DN sinh ra là để kiếm lợi nhuận, phát triển, nhưng muốn phát triển bền vững thì bắt buộc phải có văn hóa. Các DN cần biết mình đứng đâu, làm gì, nhận thức lại mình, lợi thế tiềm năng của mình để tự sửa đổi theo hướng tốt lên, xây dựng bản sắc riêng mình.
Ở góc độ DN, bà Bùi Nguyễn Phương Châu - Giám đốc truyền thông Tập đoàn FPT cho biết, văn hóa của FPT bao gồm 3 yếu tố, đó là sứ mệnh công ty, giá trị cốt lõi và thực tiễn hoạt động. "FPT là một tổ chức kiểu mới, không có tham nhũng, không có chuyện "nhân viên phải đi sếp" trong các dịp lễ, tết, trong khi đó sếp phải "đau đầu" nghĩ tặng quà cho nhân viên trong mỗi dịp quan trọng. Ngoài ra, tuân thủ kỷ luật phải bắt đầu từ chủ tịch tới lao động, nhân viên có thể nói thẳng ý kiến của mình, lãnh đạo phải làm gương, luôn sáng tạo - tìm ra cách làm mới..." - bà Châu chia sẻ./.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày Văn hóa DN Việt Nam và giao cho Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam chủ trì tổ chức triển khai. Trước đó, Cuộc vận động xây dựng VHDN Việt Nam được chính thức phát động trong cộng đồng DN và toàn xã hội vào ngày 7/11/2016, tại Lễ công bố Ngày Văn hóa DN Việt Nam. |
Bài và ảnh: Tố Uyên
Hôm nay : 6812
Tháng này : 50429
Tổng truy cập : 80535055