Đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xử lý nghiêm cán bộ sai phạm…
Ngày 15-1, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo) đã họp phiên thứ 17 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo. Phiên họp nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2019 và thảo luận, cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020.
Đã kiềm chế, ngăn chặn được tham nhũng
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh: Nhìn lại năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến mạnh mẽ với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu. Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Kết quả này góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Mặc dù còn hạn chế, tồn tại nhưng cơ bản công tác PCTN tiếp tục đà của năm 2018, đồng thời có một số kết quả nổi bật hơn. Tâm trạng một bộ phận lo rằng công tác PCTN bị dừng, nghỉ, không tiếp tục làm… nhưng đã không xảy ra trong năm 2019, có những mặt làm tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn, như việc điều tra, xét xử tội hối lộ, thu hồi tài sản tham nhũng triệt để hơn. Công tác xét xử tại các phiên tòa công khai, minh bạch… khiến các bị cáo tâm phục khẩu phục, dư luận đồng tình”.
Nổi bật là Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo, thời gian qua công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn. Công tác điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật nhưng cũng rất nhân văn.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những khâu, lĩnh vực còn yếu, có khó khăn, vướng mắc, như chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác giám định, định giá tài sản, giải mật, cung cấp hồ sơ, tài liệu. Cùng đó là nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (đã thu hồi được số tiền hơn 35.000 tỉ đồng; riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị gần 24.000 tỉ đồng). Ban cũng đã chỉ đạo chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”). Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương; góp phần khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong PCTN.
Phân tích nguyên nhân đạt được những kết quả như trên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ muốn làm được trước hết phải có quyết tâm cao từ trên xuống dưới, từ cơ quan tổng hợp, cơ quan chức năng, các ngành, các cấp và có sự chỉ đạo tập trung thống nhất. “Phương pháp tiến hành hợp lý bài bản, rõ đến đâu làm đến đâu, có lý có tình, lấy giáo dục để răn đe. Đau xót nhưng vẫn phải làm, xử một người để cứu muôn người” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Xử mạnh, không “cầm chừng”
Trong năm 2020, Ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt.
Trong quá trình đó, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước cần chấn chỉnh, đấu tranh đẩy lùi tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh PCTN sẽ “làm chậm sự phát triển”, làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “làm cầm chừng”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Ban chỉ đạo nhất trí tiến hành tổng kết công tác PCTN cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và từ khi thành lập Ban chỉ đạo đến nay; tổng kết Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng…
Chống tham nhũng, không phải vì Đại hội Đảng mà chùng lại Kết luận phiên họp thứ 17, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo, lưu ý năm 2020 có nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, không phải vì đại hội mà chùng lại, không đấu tranh PCTN, mà ngược lại càng phải làm, thậm chí làm tốt cái này để phục vụ đại hội. Chống tham nhũng tốt, công tác nhân sự tốt, đại hội sẽ thành công tốt đẹp. Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh năm 2020, công tác PCTN không dừng, không nghỉ, với quyết tâm cao hơn, chặt chẽ, hiệu quả hơn, với quan điểm lịch sử, biện chứng, khoa học, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo, không vin vào hoàn cảnh, không phiến diện, mà phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết… Thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ cấp cao Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hai ủy viên Bộ Chính trị, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Ban chỉ đạo cũng đã chỉ đạo xử lý 107 vụ án, 90 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 53 vụ/550 bị cáo; xét xử phúc thẩm 43 vụ/412 bị cáo. |
LƯU ĐỨC (Theo TTXVN)
Hôm nay : 7914
Tháng này : 33212
Tổng truy cập : 98207312