Động thái giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng ở Hà Tĩnh có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Từ ngày 6/3/2023, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Tĩnh đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Đại diện Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho biết, hiện nay, các kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng và 24 tháng tại chi nhánh cao nhất ở mức 7,2%/năm (trong khi lãi suất huy động cao nhất của Agribank gần đây nhất - ngày 17/2/2023 ở mức 7,4%/năm cho các kỳ hạn từ 12 – 60 tháng).
Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Hà Tĩnh.
Tại Vietcombank Hà Tĩnh, lãi suất kỳ hạn 12 - 36 tháng hiện được niêm yết ở mức 7,2%/năm, giảm 0,2% so với trước đó. Ngân hàng cũng giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng từ 6%/năm xuống còn 5,8%/năm.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, do đợt vừa qua tăng lãi suất cao hơn so với khối ngân hàng thương mại Nhà nước nên đợt này nhóm này điều chỉnh giảm mạnh 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Ông Tạ Quang Việt – Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Sacombank Hà Tĩnh cho biết: “Lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng chúng tôi đã điều chỉnh xuống còn 8,4%/năm (áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng); lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm xuống còn 7,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm. Đối với gửi trực tuyến, lãi suất cao nhất của Sacombank hiện là 8,6%/năm tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,7%/năm, 12 tháng là 8,1%/năm. Như vậy, Sacombank đã điều chỉnh giảm từ 0,3-0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ (ngày 14/2/2023)”.
Sacombank Hà Tĩnh đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,3-0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ (ngày 14/2/2023).
Cũng theo ông Tạ Quang Việt, từ đầu năm lại nay, Sacombank đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất huy động vốn với tổng mức giảm lên tới 1,5%/năm. Tính đến ngày 7/3/2023, tổng nguồn vốn huy động của Sacombank Hà Tĩnh đạt 1.100 tỷ đồng (tăng 157 tỷ đồng so với đầu năm). Mục tiêu Sacombank hướng tới trong đợt giảm lãi suất này là để các ngân hàng từng bước giảm lãi suất cho vay, qua đó có thể hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục đầu tư sản xuất - kinh doanh hiệu quả.
VPBank Hà Tĩnh cũng đã giảm lãi suất huy động. Theo cập nhật trên ứng dụng ngân hàng số, lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 8,8%/năm, giảm 0,5% so với trước đó; lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,5%, xuống 8,4%/năm.
Các doanh nghiệp kỳ vọng việc giảm lãi suất huy động vốn sẽ tạo dư địa cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Tại LienVietPostBank Hà Tĩnh, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng tại quầy đã giảm mạnh xuống còn 8,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn 6 tháng ở mức 7,6%/năm.
Với ACB Hà Tĩnh, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng còn 6,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 7,1%/năm, mức lãi suất kỳ hạn 15 - 36 tháng được niêm yết 7,8%/năm.
Theo ghi nhận, gần đây nhất (ngày 13/2/2023), nhiều ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn. Theo đó, lãi suất huy động cao nhất đang được nhiều ngân hàng áp dụng không vượt quá 9,5%/năm. Động thái điều chỉnh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất).
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn nên mong muốn ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Trước động thái giảm lãi suất tiền gửi đợt này, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể ở Hà Tĩnh kỳ vọng lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng có thể “hạ nhiệt” trong thời gian gần.
Tại hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp vừa diễn ra, ông Trần Văn Viết – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải chia sẻ: “Doanh nghiệp hoạt động trên 2 mảng chính là kinh doanh xi măng, sắt thép và sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay, tình hình sản xuất – kinh doanh của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các chi phí sản xuất đồng loạt gia tăng trong khi doanh nghiệp không thể tăng giá sản phẩm. Chúng tôi mong muốn các ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiền gửi phù hợp để có dư địa hạ lãi suất tiền vay, giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực trong bối cảnh còn nhiều thách thức”.
Bà Nguyễn Thị Thu - đại diện Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Hoạt động chăn nuôi lợn nái và lợn thịt đang đối mặt nhiều rủi ro về dịch bệnh cũng như sự bấp bênh của thị trường. Giá thức ăn tăng cao 40% trong vòng 2 năm qua trong khi giá lợn hơi thấp khiến đơn vị luôn phải bù lỗ. Trong khi nguồn lực của hợp tác xã có hạn, chúng tôi mong muốn các ngân hàng sẽ nghiên cứu, có giải pháp sớm giảm lãi suất cho vay để vượt qua khó khăn”.
Hôm nay : 2236
Tháng này : 19892
Tổng truy cập : 63684272